Quyền của bị can, người liên quan trong tố tụng hình sự

Điều 60 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đưa ra khái niệm về bị can như sau: “Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”. Theo khái niệm này thì chỉ là bị can khi đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố bị can về một hành vi nào đó vi phạm pháp luật hình sự, vậy trước khi bị khởi tố bị can thì họ sẽ làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra với vai trò nào? Thường thì trước khi bị khởi tố bị can thì cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm việc với những người này với vai trò người liên quan trong vụ việc, khi đã khẳng định được hành vi phạm tội thì sẽ khởi tố.

Khoản 1 Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đưa ra khái niệm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án như sau: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”. Khái niệm này có thể hiểu đơn giản người liên quan đến vụ án hình sự có thể là người đang bị xác minh về hành vi có đủ yếu tố cấu thành trách nhiệm hình sự hay không hoặc người có hành vi liên quan nhưng chưa tới mức phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ nói tới người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn xác minh, điều tra, bởi giai đoạn này rất có khả năng bị khởi tố bị can và chuyển sang thành bị can.

Do vậy, hai đối tượng này trong nhóm người tham gia tố tụng là sẽ bị cơ quan cảnh sát điều tra thẩm vấn nhiều nhất, họ sẽ bị điều tra viên lấy lời khai nhiều lần để tìm ra sự thật khác quan, để khẳng định một điểm nghi vấn nào đó, để xác minh chứng cứ họ đã thu thập được, để lật tẩy những điểm không đúng sự thật ….

Đối mặt với áp lực tâm lý quá lớn, lớn hơn tất cả những gì mà bất kỳ một ai đã từng trải qua trong cuộc sống và chắc chắn không ai được chuẩn bị tâm lý cho những sự việc như vậy xảy ra trong cuộc đời của mình. Vậy, bị can và người liên quan tới vụ án hình sự có những quyền gì khi làm việc với điều tra viên? Cần phải nắm thật chắc để tránh rơi vào tình huống tự buộc tội chính mình, chúng ta cùng đi tìm hiểu và phân tích các quyền này Bộ luật tố tụng hình sự 2015 trao cho những đối tượng này.

Các quyền quan trọng của Bị can và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong giai đoạn xác minh, điều tra:

  ♦ Quyền được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa đối với bị can; Quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ với người liên quan

Đây là quyền quan trọng nhất đối với bị can và bị can cần phải sử dụng quyền này một cách triệt để nhất có thể. Bị can là người đã bị khởi tố hành vi phạm tội, bị ràng buộc một số trách nhiệm hợp tác với điều tra viên, cực kỳ yếu thế trong hoạt động tố tụng nên là việc thiếu luật sư hỗ trợ pháp lý bên cạnh là vô cùng bất lợi.

Chắc chắn bị can không có luật sư bên cạnh sẽ chịu áp lực tâm lý quá lớn và điều này chắc chắn sẽ dẫn tới sai sót trong quá trình làm việc với điều tra viên.

Tất cả các nước phát triển đều trao cho bị can quyền được im lặng trước khi gặp luật sư của mình. Đây có thể coi là quyền vô cùng quan trọng, quan trọng nhất trong tất cả các quyền của bị can nhưng pháp luật hình sự nước ta chưa đưa quyền im lặng vào Bộ luật hình sự do đó các bị can phải tận dụng triệt để quyền này của mình.

Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì trong giai đoạn xác minh, điều tra có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư bảo vệ cũng tương tự như quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa. Giai đoạn đầu hầu hết bị can sẽ làm việc với điều tra viên với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, giai đoạn này hình thành nên các bản lời khai ban đầu và nó vô cùng quan trọng đối việc định hình lời khai cho tới sau này.

Việc trong giai đoạn đầu người liên quan đưa ra các lời khai khi làm việc với điều tra viên thậm chí còn mang tính quyết định việc người đó có bị khởi tố bị can trở thành bị can hay không. Do đó, người liên quan càng phải mời luật sư ngay từ đầu để tránh những rủi ro pháp lý tiềm tàng, đồng thời tạo ra lợi thế tâm lý, lợi thế về kiến thức khi làm việc với điều tra viên hình thành những bản khai đầu tiên.

  ♦ Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội

Nắm được quyền này là cực kỳ quan trọng và quyết định cách trả lời phù hợp các câu hỏi điều tra viên nêu ra.

Quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến được hiểu như thế nào và tại sao nó là quyền? Quyền này sẽ được hiểu là việc trình bày lời khai, nêu ý kiến như thế nào là quyền của bị can, điều tra viên không có quyền can thiệp, mớm cung hay dụ cung. Bị can biết tới đâu trả lời tới đó, nhớ tới đâu trả lời tới đó, sự việc xảy ra thế nào trả lời thế đó và không có nghĩa vụ phải trả lời, cố trả lời bất cứ nội dung nào không biết. Cái gì không biết thì trả lời không biết, pháp luật bảo vệ quyền tự do trình bày của bị can.

Quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc mình phải nhận tội – Đây lại là một quyền vô cùng quan trọng nữa mà bị can cần phải khắc cốt ghi tâm.

Hiểu và vận dụng được quyền này là vấn đề mấu chốt, nó định hướng tâm lý cho bị can cách phải trả lời các câu hỏi cho điều tra viên. Các câu hỏi của điều tra viên theo hướng bị can phải đưa ra lời khai chống lại chính mình thì bị can có quyền từ chối trả lời, tương tự bị can từ chối việc đưa ra các lời khai nhận tội.

Bị can có quyền từ chối tất cả các câu hỏi về việc nhận định hành vi của mình là phạm tội hay các câu hỏi về việc bị can nhận tội hay không. Rất nhiều vụ án hiện này cơ quan điều tra dựa vào lời khai bất lợi của bị can, lời khai nhận tội để buộc tội cho bị can và rõ ràng nếu bị can nắm được quyền này của mình thì sẽ tránh được những rắc rối rất lớn, tránh được những bất lợi không đáng có.

Quyền này không được đưa vào quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng trong giai đoạn đầu khi chưa khởi tố bị can nào thì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong đó sẽ có một số người có khả năng bị khởi tố bị can và sẽ trở thành bị can. Vậy, áp dụng quyền này thế nào đối với người liên quan? Thì người liên quan trong giai đoạn đầu xác minh điều tra cần phải nắm rõ việc khéo léo áp dụng quyền này khi làm việc với điều tra viên bằng cách từ chối trả lời các câu hỏi buộc tội và các câu hỏi khi khai nhận đưa ra nội dung chống lại bản thân. Hoặc trả lời bằng cách đưa ra các khẳng định việc bản thân vô tội, khẳng định việc bản thân không thực hiện các hành vi có tội và điều tra viên sẽ không có quyền điều chỉnh, can thiệp lời khai của người liên quan theo hướng này do trình bày lời khai là Quyền được luật định.

  ♦ Quyền được biết lý do mình bị khởi tố

Lý do mình bị khởi tố tức là hành vi nào đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự, từ đó bị can nắm được việc mình phải phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra làm việc liên quan tới nội dung nào để chủ động trong quá trình làm việc.

  ♦  Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ 

Tức là trước khi tiến hành làm việc với bị can điều tra viên được phân công sẽ phải thông báo và giải thích từng quyền của bị can cho bị can hiểu và nắm được các quyền của mình, nội dung nào chưa rõ thì bị can có quyền hỏi để điều tra viên giải thích.

Khi nhờ luật sư trợ giúp pháp lý thì trước khi lên làm việc luật sư đã giải thích cho thân chủ các quyền này để có tính chủ động, trường hợp không thuê luật sư thì dù điều tra viên có thông báo và giải thích các quyền thì với tâm lý căng thẳng bị can cũng hiếm khi dám sử dụng các quyền này.

  ♦  Bên cạnh đó bị can, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng còn một số quyền khác quy định trong Điều 60 và Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự như Quyền nhận các quyết định tố tụng, Quyền đọc, ghi chép tài liệu liên quan tới việc buộc tội, gỡ tội…. Nhưng các quyền chúng tôi phân tích ở trên vẫn là các quyền tối quan trọng mà bị can cần phải nắm vững, nắm rõ và tận dụng triệt để trong khi làm việc với cơ quan điều tra.

Làm thế nào để sử dụng các quyền trên một triệt để

  ⇒ Chúng tôi phải nhắc lại một điều tiên quyết rằng đối diện với một vụ án hình sự thì không có cách nào khác tối ưu hơn việc mời luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Điều này làm cơ sở cho bị can, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đủ sự bình tâm, đủ hiểu biết để nắm bắt thực hiện quyền của mình, đồng thời luật sư sẽ can thiệp khi điều tra viên đưa ra những câu hỏi trái luật xâm phạm các quyền trên.

  ⇒ Cùng với luật sư để chuẩn bị tất cả các tài liệu, nội dung liên quan tới vụ việc trước khi lên làm việc với điều tra viên, có như vậy mới nắm vững được nội dung các sự kiện khách quan liên quan để trả lời các câu hỏi của điều tra viên.

  ⇒ Cùng luật sư thực hành hỏi và trả lời một số các câu hỏi liên quan để bị can, người liên quan thử trả lời làm quen với tâm lý trong các buổi hỏi cung, lấy lời khai. Điều này là rất quan trọng, giữ vững tâm lý sẽ giúp cho buổi làm việc với điều tra viên không bị chệch hướng, giúp tinh thần tỉnh táo suốt buổi làm việc. Có như vậy, thì các lời khai trước sau không bị mẫu thuẫn, người trả lời không bị rối làm ảnh hưởng lớn tới việc hợp tác với điều tra viên.

  ⇒  Giữ bình tĩnh, giữ nhịp trả lời vừa phải để các câu trả lời được kỹ càng đồng thời tránh được sai sót không đáng có.

Những lưu ý quan trọng

   ►  Tuyệt đối không vì dùng các biện pháp vận động hành lang, hay nhờ các mối quan hệ cá nhân để tìm hiểu thông tin cũng như xử lý công việc mà chậm trễ trong việc nhờ luật sư trợ giúp pháp lý

   ►  Trao đổi tất cả các vấn đề, nội dung với luật sư, tuyệt đối không được giấu luật sư để rơi vào tình trạng bị động khi làm việc với điều tra viên.

   ►  Các vấn nội dung liên quan tới công việc phải trao đổi với luật sư để có hướng giải quyết thống nhất, tránh tình trạng đẽo cày giữa đường sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Để bảo vệ bản thân và quyền lợi của mình, ngay khi biết mình vướng vào vụ án hình sự, việc cần làm đầu tiên là phải tìm kiếm và liên hệ đến luật sư để nhờ tư vấn pháp lý. Luật sư sẽ tham gia bảo vệ, làm việc trong các giai đoạn của một vụ án hình sự từ lúc nhận giấy triệu tập lấy lời khai đến khi bào chữa tại tòa án và kết thúc một vụ án. Với chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của mình, luật sư tại công ty Luật Vicoly Hà Nội đại diện cho thân chủ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại.

Hãy liên hệ với chúng tôi khi cần trợ giúp.

Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội:

Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline 24/7: 07.6668.1111

Email: vicolylaw@gmail.com

 

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G