Vai trò của Luật sư trong tố tụng hình sự

Luật sư tham gia trong các quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án như một bên đối trọng với cơ quan tiến hành tố tụng, vừa giám sát vừa hợp tác với cơ quan quan tiến hành tố tụng để tìm ra chân lý của sự thật khách quan.

Luật sư là nhân tố duy nhất được pháp luật hình sự cho phép đồng hành, đứng về phía với bị can, bị cáo từ giai đoạn đầu cho tới khi xét xử để bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền mà pháp luật hình sự đã cho bị can, bị cáo được hưởng. Đối với các bị can, bị cáo thì sự có mặt của luật sư là vô cùng quan trọng do họ đang là đối tượng bị pháp luật hình sự áp dụng một số biện pháp ngăn chặn, bị cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai phải ở trong hoàn cảnh tâm lý vô cùng bất lợi.

Luật sư cũng đồng hành với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của những người này, đồng thời thu thập chứng cứ đưa ra quan điểm để tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Sự vắng mặt của luật sư trong bất cứ giai đoạn nào của tố tụng hình sự cũng sẽ làm cho tính cân bằng, đối kháng mất đi, các cơ quan tiến hành tố tụng không còn người thay mặt cho đối tượng yếu thế, thiếu năng lực hiểu biết về pháp lý để làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này rõ ràng cho thấy một bức tranh mà quyền lực nhà nước nghiêng quá nhiều về phía các cơ quan tiến hành tố tụng còn một bên là những người tham gia tố tụng có hiểu biết rất hạn chế về pháp luật. Rõ ràng, đây là sự mất cân bằng về địa vị pháp lý dẫn tới những người tham gia tố tụng có thể do không hiểu biết mà tự từ bỏ các quyền của mình, dẫn tới quyền lợi có thể bị mất đi và rất khó khăn để xác định sự thật khách quan trọng vụ án.

1. VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG GIAI ĐOẠN KHỞI TỐ VỤ ÁN

Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về căn cứ khởi tố vụ án:

"Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.”

Từ một trong các căn cứ trên Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành xác minh, điều tra thông qua các hoạt động nghiệp vụ trong đó có việc lấy các lời khai ban đầu của những người liên quan tới vụ việc. Do đó, đây là giai đoạn có thể nói là luật sư tham gia sẽ đạt hiệu quả cao nhất trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự.

Đây là giai đoạn Cơ quan cảnh sát điều tra xác minh nguồn tin tội phạm bằng cách thu thập tài liệu chứng cứ, lấy lời khai của những người liên quan để xác định có hay không hành vi phạm tội bộ luật hình sự.

Theo quy định từ Điều 55 tới Điều 70 trong Chương IV tại Bộ luật tố tụng hình sự đưa ra các quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với từng người tham gia tố tụng hình sự. Ngoại trừ với người tố giác tội phạm thì đều quy định những người còn lại có quyền mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi, song với người tố giác luật không quy định vào điều khoản nào nhưng cũng không có quy định ngăn chặn nào nên đó sẽ là quyền của người tố giác.

Việc có luật sư ở bên cạnh trong những lần đầu lấy lời khai là vô cùng quan trọng, vô cùng giá trị và không gì có thể đánh đổi được. Có luật sư những người tham gia tố tụng sẽ hiểu rõ được các quyền của mình, sẽ vững tâm lý để đưa ra những lời khai mạch lạc, thống nhất theo một trật tự, trình tự diễn biến của sự việc khách quan. Từ đó, các lần khai tiếp theo người tham gia tố tụng sẽ có một tư duy, trí nhớ sắp xếp logic sẵn trong trí nhớ để trình bày mạch lạc với cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc trình bày lời khai thống nhất ngay từ đầu là vô cùng quan trọng với người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Đối với bị can thì điều này sẽ giúp các bị can không bị ảnh hưởng tâm lý dẫn tới lời khai nhiều mâu thuẫn, có thể sẽ không được cơ quan tiến hành tố tụng cho hưởng tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo” khi lượng hình, đối với những người tham gia tố tụng khác sẽ tránh được việc có thể gặp rắc rối khi khai báo không thống nhất sẽ phải khai báo lại nhiều lần và dễ dẫn tới các rắc rối pháp lý khác.

Ví dụ điển hình về việc gặp bất lợi khi thay đổi lời khai sau này là vụ án Hồ Duy Hải là các lời khai sau khi có sự tham gia của luật sư thay đổi so với các lời khai trước đó nhưng không được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận và còn bị coi là khai báo không thành khẩn, chối tội. Nhiều bản khai đầu với nội dung khai báo giống nhau đã bị coi là việc bị can khẳng định sự thật khách quan và chỉ thay đổi khi luật sư tham gia là không thành khẩn khai báo.

Do đó, hãy mời luật sư ngay lập tức khi biết mình hoặc người thân vướng vào vụ án hình sự nào đó hoặc bị Cơ quan cảnh sát điều tra mời/triệu tập lên làm việc. Hành động này có thể làm cho một người tránh được những bất lợi rất lớn trong tố tụng hình sự, giúp cho người phải tham gia tố tụng hình sự có sự tự tin để khai báo rõ ràng mạch lạc nội dung vụ việc.

2. VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VỤ ÁN

Đây là giai đoạn sau khi Có quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan cảnh sát điều tra hoặc Viện kiểm sát, giai đoạn này vẫn do Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục thực hiện nhưng với mục đích để xác định hành vi phạm tội có dấu hiệu đầy đủ của tội nào, mức khung hình phạt nào tương ứng với mức độ của hành vi phạm tội.

Giai đoạn này Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành các công việc và có thể ra các quyết định đi kèm tương ứng, các hoạt động chính như sau:

  • Lấy lời khai của những người tham gia tố tụng;
  • Chuyển vụ án sang cơ quan Điều khác có thẩm quyền;
  • Nhập hoặc tách vụ án để điều tra;
  • Ủy thác điều tra;
  • Giải quyết yêu cầu, đề nghị của người tham gia tố tụng;
  • Khởi tố bị can, lấy lời khai bị can;
  • Khám xét, thu giữ tang vật;
  • Khám nghiệm hiện trường, tử thi, thực nghiệm hiện trường;
  • Giám định, định giá tài sản;

Đây là giai đoạn xác minh tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, xác định đối tượng phạm tội và mối quan hệ nguyên nhân hậu quả để xác định ra người phạm tội. Từ đó cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố bị can.

Trong tố tụng hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra là cơ quan có trách nhiệm điều tra làm rõ hành vi phạm tội thông qua một loạt các nghiệp vụ mà pháp luật quy định phải tiến hành đầy đủ để chứng minh sự thật khách quan của vụ án. Nhưng song song với đó là quá trình lấy lời khai của những người liên quan sẽ diễn ra suốt quá trình điều tra, số lần lấy lời khai là không hạn chế. Tức là trong suốt quá trình điều tra, Điều tra viên thấy có những điểm mâu thuẫn sẽ lấy lại lời khai hoặc khi phát hiện ra tội phạm mới sẽ tiến hành lấy lời khai liên tục cho tới khi các lời khai phù hợp với diễn biến khách quan của vụ việc.

Sự có mặt của Luật sư, suốt quá trình điều tra như chúng ta đã biết giữ cho địa vị pháp lý cân bằng, giúp cho những người tham gia tố tụng vững tâm lý để làm việc cũng như cung cấp lời khai cho cơ quan điều tra. 

Bất cứ sự chủ quan nào trong suốt quá trình tố tụng của những người tham gia tố tụng là đều nghiêm trọng và có thể trả cái giá vô cùng đắt. Đây có thể coi như quá trình đấu trí căng thẳng, cần phải có bản lĩnh, sự tỉnh táo trong suốt quá trình này diễn ra. Để duy trì được trạng thái tỉnh táo luôn cần phải có sự đồng hành của Luật sư để những người tham gia tố tụng khi cần có thể nhận được những ý kiến pháp lý tư vấn kịp thời.

Luật sư như một chủ thể pháp lý độc lập giám sát các hoạt động của cơ quan điều tra với hồ sơ vụ án trên cơ sở quy định của pháp luật. Các cơ quan điều tra khi tiến hành các hoạt động tố tụng có luật sư tham sẽ phải mời luật sư tham gia để đảm bảo tính khách quan, đồng thời các cơ quan này cũng muốn nghe ý kiến của các luật sư để có sự phản biện nhanh chóng tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Quá trình điều tra ngoài việc bị can, bị hại, người liên quan phải có mặt tham gia các buổi lấy lời khai căng thẳng thì còn phải tham gia các buổi đối chất, thực nghiệm hiện trường….. Tại đó cũng cần phải có sự tư vấn của Luật sư để hiểu được mình cần phải làm gì, phối hợp như thế nào với cơ quan tiến hành tố tụng tránh vì thiếu hiểu biết mà làm sai lệch đi thông tin cần truyền tải, cung cấp.

Luật sư sẽ đấu tranh từng tình tiết, từng hành vi tương ứng với quy định của pháp luật hình sự nếu có thể để chuyển tội danh sang một tội danh khác nhẹ hơn, chuyển khung hình phạt sang khung nhẹ hơn theo quy định của pháp luật. Trong suốt quá trình tố tụng chắc chắn một điều là chỉ có luật sư là người duy nhất đồng hành cùng thân chủ để đấu tranh bảo vệ tối đa những điểm, những quy định có lợi cho bị can, người liên quan…. mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải lắng nghe để điều chỉnh.

3. LUẬT SƯ THAM GIA TRONG GIAI ĐOẠN TRUY TỐ

Truy tố là nghiệp vụ của Viện kiểm sát sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra ra Bản kết luận điều tra về hành vi phạm tội thuộc tội danh nào và khung hình phạt tương ứng với tính chất mức độ của hành vi trong vụ án.

Trong giai đoạn này Viện kiểm sát sẽ ra một trong số văn bản, quyết định sau:

► Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.

► Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án trong trường hợp cần thiết.

Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

Quyết định khởi tố, quyết định thay đổi, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can trong trường hợp phát hiện còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố, điều tra.

► Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra bổ sung.

► Quyết định tách, nhập vụ án; chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

► Quyết định gia hạn, không gia hạn thời hạn truy tố, thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

► Quyết định truy tố.

► Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định phục hồi vụ án, quyết định phục hồi vụ án đối với bị can.

Với quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động truy tố là xem xét hồ sơ do Cơ quan cảnh sát điều tra gửi lên, kiểm sát về hoạt động tố tụng của cơ quan cảnh sát khi thu thập tài liệu, chứng cứ, trong hoạt động lấy lời khai ….. Từ đó, xem xét việc có cần thiết lấy thêm lời khai hoặc làm sáng tỏ các nội dung mà xét thấy cơ quan cảnh sát điều tra đang chưa làm sáng tỏ nhưng chưa cần thiết phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Luật sư tham gia trong giai đoạn này vẫn tiếp tục thu thập chứng cứ, song hành với bị can/người bị hại/người tham gia tố tụng khác để hỗ trợ về tâm lý, về pháp lý khi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, Luật sư sẽ tiếp tục kiến nghị những nội dung mà đã kiến nghị ở Cơ quan cảnh sát điều tra nhưng chưa được giải quyết để Viện kiếm sát xem xét và kiến nghị những vấn đề Cơ quan cảnh sát điều tra chưa làm, làm sai quy trình tố tụng để Viện kiểm sát điều tra bổ xung hoặc trả hồ sở điều tra bổ sung.

Việc luật sư phối hợp và hợp tác với Viện kiểm sát trong quá trình này nhằm làm sáng tỏ thêm nội dung vụ án để Viện kiểm sát giải quyết ngay những nội dung những vấn đề chưa được giải quyết sẽ giúp cho bị can và những người tham gia tố tụng sớm được bảo vệ quyền lợi.

4. LUẬT SƯ THAM GIA TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ

 Luật sư tham gia phiên tòa sẽ chủ động hỏi các bên liên quan, đồng thời hướng dẫn thân chủ chủ động tương tác với toàn bộ quá trình phiên tòa diễn ra. Điều này là rất quan trọng, bởi nắm được quy trình phiên tòa diễn ra thì người tham gia tố tụng mới biết được quyền của mình tương ứng với từng giai đoạn là gì.

Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định một nguyên tắc bất di bất dịch đó là tranh tụng trong xét xử phải được bảo đảm “Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.” Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng, nguyên tắc này yêu cầu mọi vấn đề trong vụ án phải được làm rõ tại phiên tòa, mọi chứng cứ phải được kiểm tra khẳng định phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án, mọi lập luận tranh tụng giữa hai bên phải được công khai và được khẳng định tại phiên tòa.

Do đó, không có luật sư tham gia phiên tòa hình sự cùng là quá sức với mọi chủ thể không phải là chuyên gia pháp lý, điều này là vô cùng bất lợi bởi vì bản thân không thể chứng minh cũng như lập luận bảo vệ quan điểm của mình.

Kết luận:

- Trong các vụ án hình sự, luật sư tham gia sớm ngày nào thì cơ hội bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo và người tham gia tố tụng sẽ hiệu quả cao nhất ngày đó.

- Sẽ là sai lầm không thể bù đắp bằng bất cứ giá nào nếu không mời luật sư từ đầu khi hình thành lên chứng cứ là các bản khai đầu tiên tại cơ quan cảnh sát điều tra.

- Chỉ cần sự có mặt của luật sư điều này cũng đem tới những giá trị vô cùng to lớn về mặt tâm lý, bị can hay những người tham gia tố tụng sẽ tránh được những sai lầm khủng khiếp mà bản thân không thể nào tưởng tượng được. 

Với kinh nghiệm nhiều năm trong mảng tố tụng, luật sư công ty Luật Vicoly Hà Nội đã tham gia nhiều vụ án giúp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Việc nhờ luật sư giống như một biện pháp an toàn tất yếu trong đời sống hàng ngày và đặc biệt hơn khi vướng vào một vụ án hình sự, lúc đó vai trò của luật sư được nâng cao hơn. Dịch vụ luật sư bào chữa các vụ án hình sự tại công ty Luật Vicoly Hà Nội giúp tư vấn, chuẩn bị kiến thức pháp luật để tham gia tố tụng hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.

Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội

Hotline 24/7: 07.6668.1111

Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội

Email: vicolylaw@gmail.com

 

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G