Mức xử phạt với tội đánh bạc theo quy định mới nhất
Đánh bạc là hành vi diễn ra khá phổ biến ở bất cứ xã hội nào, nhiều quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa các trò chơi cá cược, đánh bạc và tạo doanh thu lớn cho quốc gia của mình. Song tất cả các quốc gia đều có chế định rất nghiêm ngặt với các trò chơi cá cược, đánh bạc, các hoạt động này sẽ chỉ được các doanh nghiệp đạt đủ điều kiện mới được cấp phép và tại những địa điểm nhất định. Tất cả các hành vi cá cược, đánh bạc ngoài các địa điểm hợp pháp được pháp luật cho phép thì đều là vi phạm pháp luật.
Nước ta cũng đã có tư tưởng cởi mở hơn trong việc hợp pháp hóa các trò chơi cá cược, đánh bạc, song cũng như các nước khác các hành vi diễn ra ngoài địa điểm được cho phép sẽ đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Các hành vi đánh bạc này gọi là đánh bạc trái phép, sẽ bị pháp luật hình sự trừng trị tương ứng với tính chất, mức độ của từng hành vi tương ứng.
Như thế nào gọi là Đánh bạc trái phép?
Trước đây theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán đưa ra khái niệm tội đánh bạc trái phép khá chi tiết nhưng văn bản này đã hết hiệu lực thi hành, song nó cũng cho ta hiểu rõ thêm khái niệm tội đánh bạc và nó vẫn giữ nguyên giá trị về mặt học thuật. Nghị quyết này đưa ra khái niệm như sau “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp”
Bộ luật hình sự 2015 thay thế chưa có Văn bản nào đưa ra khái niệm chi tiết mà chỉ có quy định chung tại Khoản 1 Điều 321 Đưa ra khái niệm về hành vi đánh bạc như sau “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm."
Theo khái niệm trên thì hành vi đánh bạc chỉ vi phạm pháp luật hình sự khi có đủ các dấu hiệu như sau:
- Hành vi này diễn ra ngoài các địa điểm được nhà nước cho phép.
- Hành vi đánh bạc phải “được” hoặc “thua” bằng tiền hay hiện vật từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Như vậy, hành vi đánh bạc mà được thua dưới 5.000.000 đồng và là vi phạm lần đầu thì sẽ không vi phạm pháp luật hình sự nhưng hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Việc bị xử phạt vi phạm hành chính một lần thì nếu tái phạm hành vi này thì kể cả giá trị được thua đánh bạc dưới 5.000.000 đồng vẫn sẽ bị xử lý vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc thì tuyệt đối phải tránh việc tái phạm bởi lẽ dù giá trị là bất cứ bao nhiêu thì sẽ vẫn bị xử lý hình sự.
Tiền hoặc hiện vật trong đánh bạc được hiểu thế nào?
Trong tình huống bắt đánh bạc rất nhiều người không hiểu các tài sản nào trên chiếu bạc, xe cộ phương tiện đi tới địa điểm đánh bạc có bị tính vào tài sản đánh bạc hay không. Khi các cơ quan chức năng khám xét thì những tài sản nào bị tính là tài sản dùng để đánh bạc, việc nắm được các quy định này là vô cùng quan trọng để có ứng xử tương ứng.
Theo đó tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Quy định trên đưa ra trong Nghị Quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán mặc dù đã hết hiệu lực nhưng hiện nay tất cả các cơ quan chức năng vẫn đang áp dụng theo cách giải thích này để xử lý các vụ đánh bạc. Và liệt kê như trên có thể nói vẫn chưa giúp định lượng rõ ràng hay ranh giới cụ thể với nhiều trường hợp tài sản có bị coi là dùng để đánh bạc hay không. Ví dụ như xe máy người chơi bạc đi tới địa điểm đánh bạc có bị coi là tài sản dùng đánh bạc hay không thì hiện nay vẫn đang có nhiều quan điểm xử lý trong các trường hợp này.
Áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” trong tội đánh bạc khi nào?
Thường đã ai đã đánh bạc thì đều lặp lại hành vi nhiều lần, trừ trường hợp bất ngờ bị lôi kéo vào một tình huống cụ thể, chơi lô đề, chơi bài, chơi trò đỏ đen... Các hành vi đánh bạc đã được các nhà khoa học chứng minh là rất dễ gây nghiện và nó khiến người chơi bị phụ thuộc vào tâm lý hơn thua mà rất khó để dứt ra.
Vậy việc một người chơi từ ngày này qua ngày khác với các lần chơi bạc được thua khác nhau trong nhiều ngày liền thì pháp luật hình sự sẽ xử lý người đó bằng cách tính tổng số tiền được thua trong các ngày hay tính các lần chơi trong các ngày khác là tình tiết phạm tội nhiều lần hay là áp dụng cho cả hai.
Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt rõ trong các trường hợp như sau để áp dụng:
a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn như trên;
b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.
Ví dụ 1: Tại kỳ đua ngựa thứ 39, tổ chức vào ngày 15-7-2010, trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ A đã cá độ ba đợt cụ thể là đợt một 500.000 đồng, đợt hai 1.000.000 đồng, đợt ba 5.000.000 đồng, trong trường hợp này chỉ coi A đã đánh bạc một lần trong kỳ đua ngựa đó với tổng số tiền là 6.500.000 đồng.
Ví dụ 2: Ngày 20-7-2010, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, B mua ba số đề trong một lô đề cụ thể là: mua số 17 với số tiền là 500.000 đồng, mua số 20 với số tiền là 5.100.000 đồng, mua số 25 với số tiền 6.000.000 đồng; trong trường hợp này, chỉ coi B đánh bạc một lần.
Trong các trường hợp nêu tại ví dụ 1 và ví dụ 2 trên đây, nếu số tiền cá độ đua ngựa, số tiền mua số đề của mỗi đợt từ 5.000.000 đồng trở lên thì cũng không được áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”.
Như vậy, có thể hiểu trong một ngày hành vi đặt cược nhiều lần thì sẽ bị xử lý hình sự theo tổng sổ tiền chơi của ngày hôm đó và không áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần. Nhưng nếu chơi nhiều ngày liên tiếp và các ngày đều bằng hoặc vượt quá số tiền mức tối thiểu thì khi đó hành vi của người phạm tội sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần.
Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... như sau:
5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc
a) Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.
Ví dụ: B mua 5 số đề với tổng số tiền là 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, trong đó có 4 số đề mua mỗi số 10.000 đồng, 1 số đề mua với số tiền 60.000 đồng, hành vi của B bị phát hiện sau khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... và B đã trúng số đề mua với số tiền 60.000 đồng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng + (60.000 đồng × 70 lần) = 4.300.000 đồng.
b) Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.
Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu B không trúng số nào thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng.
Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của B bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng B có trúng số đề hay không trúng số đề).
Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc
a) Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người).
Ví dụ: D là chủ đề của 5 người chơi số đề khác nhau, mỗi người chơi một số đề với số tiền là 50.000 đồng (tổng cộng là 250.000 đồng); tỷ lệ được thua là 1/70 lần và có 2 người đã trúng số đề thì số tiền D dùng để đánh bạc trong trường hợp này là 250.000 đồng + (50.000 đồng × 70 lần × 2 người) = 7.250.000 đồng.
b) Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ.
Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu cả 5 người chơi không trúng số đề thì số tiền mà chủ đề dùng đánh bạc là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng.
Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của D bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền D dùng đánh bạc trong trường hợp này là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng có hay không có người trúng số đề).
Như vậy, qua phân tích ở trên chúng ta sẽ hiểu được chi tiết việc áp dụng trong các trường hợp chơi lô đề cá độ, hay các phương thức đánh bạc khác để biết được các trường hợp áp dụng cụ thể khi cơ quan chức năng “Tính” nhầm hoặc sai. Rất nhiều trường hợp các cơ quan chức năng áp dụng sai quy định theo hướng bất lợi cho người phạm tội là vừa tính mức độ phạm tội trên tổng số tiền chơi bạc lại vừa áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” làm cho mức phạt cao hơn nhiều nếu chỉ áp dụng một lần tính.
Khi gặp tình huống bị cơ quan chức năng xử lý về hành vi đánh bạc, việc đúng đắn nhất là tìm ngay luật sư để hỗ trợ pháp lý giám sát cơ quan chức năng trong quá trình xử lý, xác minh các hành vi, sự kiện khách quan. Liên hệ ngay Luật sư công ty Luật Vicoly Hà Nội để được giúp đỡ!
---
Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội:
Hotline 24/7: 07.6668.1111
Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Email: vicolylaw@gmail.com