Những việc cần phải làm khi khởi kiện tại tòa án
Khi vướng vào một tranh chấp nào đó thì các cá nhân, tổ chức cần làm gì để khởi kiện cá nhân, tổ chức khác ra Tòa và để Tòa án đó chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của mình? Đó là một vấn đề mà đúng ra mọi cá nhân, tổ chức cần phải nắm rõ nhất để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình trước pháp luật và đôi khi đây là vấn đề sống còn đối với mỗi chúng ta.
Đứng trước những tình huống như vậy, đôi khi tương ứng với mỗi sự lựa chọn đúng đắn hoặc sai lầm sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng khác biệt. Vậy cần phải làm gì khi vướng vào một tranh chấp nào đó?
Chúng tôi khuyên các bạn nên nghĩ ngay tới việc tìm một luật sư để nhận được những ý kiến pháp lý đúng đắn nhất liên quan tới vấn đề mình đang gặp phải. Trường hợp vì điều kiện hoàn cảnh mà bạn không thể tiếp cận được với luật sư thì hãy nghĩ tới các phương án khác nhưng hiệu quả thì chắc chắn không thể được như có luật sư trợ giúp.
Hãy tìm ngay một luật sư hoặc một chuyên gia hiểu biết về pháp luật để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể, chuyên gia có thể là cán bộ Tòa án, cán bộ phòng tư pháp nơi bạn đang sinh sống. Trong trường hợp này bạn sẽ được luật sư hoặc chuyên gia là những người am hiểu về pháp luật, nắm rõ các quy định liên quan tới vấn đề bạn đang gặp phải từ đó cho bạn những lời khuyên đúng đắn. Việc này sẽ giúp các bạn đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời nhất để bảo vệ các quyền lợi của mình cũng như tránh vướng phải những tranh chấp không đáng có.
Trường hợp mà hai trường hợp trên bạn đều không thể tiếp cận hoặc thỏa mãn với vấn đề mình đang gặp phải thì các bạn cần phải nắm được các kỹ năng, kiến thức cơ bản khi đi khởi kiện cá nhân, tổ chức nào đó. Cụ thể các bạn cần nắm được những việc cần phải làm cơ bản như sau:
- Xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết: Được quy định từ Điều 26 tới Điều 45 trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó các bạn cần xác định vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không, Tiếp theo phải xác định thẩm quyền thuộc Tòa án cấp Tỉnh hay cấp Huyện, cuối cùng là Tòa án cấp tỉnh hoặc cấp Huyện thì là tỉnh nào và huyện nào.
- Sau khi xác định được Tòa án có thẩm quyền thì việc tiếp theo là tới ngay tòa án đó liên hệ với bộ phận tiếp dân để nói các mong muốn của mình và đề nghị được hướng dẫn.
- Nắm được nội dung của đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật, nội dung của đơn khởi kiện được quy định chi tiết trong Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
- Xác định những tài liệu nào phải nộp kèm với Đơn khởi kiện: Phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Những tài liệu này nói đơn giản đó là những tài liệu có liên quan tới nội dung tranh chấp mà bạn đang muốn khởi kiện cá nhân, tổ chức nào đó.
Sau tất cả với lựa chọn tự mình thực hiện công việc thì một trong những kỹ năng rất quan trọng nữa đó là kỹ năng nộp đơn khởi kiện. Vậy làm thế nào để Tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của mình cùng với những hồ sơ đã chuẩn bị, đây là một trong những vấn đề mà rất nhiều người ngại khi đi khởi kiện tại Tòa án và đây cũng là một trong những nguyên nhân nhiều người không khởi kiện ra Tòa cho tới khi quá muộn dẫn tới hết thời hiệu khởi kiện.
Với những người chưa va chạm việc kiện tụng tại Tòa án thì việc đi khởi kiện tại Tòa án là một điều gì đó có trở ngại rất lớn về mặt cảm xúc. Vậy nên, theo chúng tôi sau khi đã chuẩn bị được tất cả đơn khởi kiện cùng các tài liệu chứng cứ kèm theo các bạn hãy nộp ngay đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền. Nhưng tại một số địa phương khi người dân đi nộp trực tiếp, bộ phận hành chính thường từ chối nhận đơn khởi kiện khi hồ sơ của các bạn thiếu một số nội dung, tài liệu nào đó. Một số nơi thì yêu cầu đơn khởi kiện phải theo mẫu và nếu chúng ta cứ làm theo những chỉ dẫn như vậy sẽ dẫn tới có thể nhiều tháng không nộp được hồ sơ khởi kiện. Theo chúng tôi việc các bạn cần làm là:
- Tới Tòa án có thẩm quyền nộp ngay Hồ sơ khởi kiện. Trường hợp cán bộ Tòa án hướng dẫn và thấy các tài liệu, nội dung điều chỉnh hợp lý thì các bạn về điều chỉnh rồi nộp lại.
- Trường hợp bạn đã khắc phục hoặc cán bộ Tòa án đưa ra những yêu cầu bất hợp lý thì có một cách khác nộp đơn khởi kiện mà Tòa án buộc phải phân công Thẩm phán giải quyết mà ít người nghĩ tới đó là Nộp hồ sơ khởi kiện qua đường bưu điện. Sau khi gửi qua đường bưu điện thì khoảng 10 ngày kể từ ngày các bạn gửi, hãy tới Tòa án và hỏi về hồ sơ khởi kiện của mình hiện nay đã phân công cho Thẩm phán nào giải quyết. Cách làm này sẽ giúp người khởi kiện nhận được hướng dẫn trực tiếp của Thẩm phán đối với hồ sơ khởi kiện của mình.
- Khi hồ sơ đã được nhận thì với các tài liệu nào Tòa án yêu cầu cung cấp mà người dân không cung cấp được có thể làm đơn đề nghị Tòa án thu thập.
- Trong trường hợp bạn đã thực hiện đầy đủ các bước mà chúng tôi hướng dẫn nhưng vẫn không được Tòa án thụ lý giải quyết thì các bạn vẫn còn một cách đó Khiếu nại về việc Tòa án không thụ lý. Tất nhiên là khi các bạn đã cố gắng hoàn thiện hồ sơ cũng như hợp tác với các cán bộ Tòa án trong việc nộp hồ sơ khởi kiện.
- Khi các bạn tiến hành khiếu nại Thẩm phán sẽ phải có trách nhiệm giải trình việc vì sao không thụ lý đơn khởi kiện của các bạn, điều này vô hình sẽ gây lên áp lực khiến thẩm phán phải lưu tâm và hướng dẫn bạn về hồ sơ khởi kiện mà các bạn đang yêu cầu Tòa án giải quyết.
Với hướng dẫn như trên các bạn vẫn thấy rất khó khăn khi tự mình tiến hành một vụ kiện, điều này là đúng với mọi quốc gia trên thế giới. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được trợ giúp pháp lý kịp thời nhất, tránh những thiệt hại cũng như rủi ro tiềm tàng khi bị cuốn vào những việc kiện tụng tại Tóa án.
Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội:
Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 07.6668.1111
Email: vicolylaw@gmail.com