Quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng con người

 

Bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng con người là một chế tài quy định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, tức là ngoài việc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo mức độ hành vi phạm tội thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại đối với người bị hại mà nếu không bị xâm phạm sức khỏe, tính mạng thì người bị hại sẽ không bị các tổn thất đó. Do đó, pháp luật buộc người phạm tội sẽ phải có trách nhiệm bồi thường các tổn thất đó cho người bị hại.

Khoản 1 Điều 584, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng con người là một trong những trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe có đầy đủ các đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đó là: Về cơ sở phát sinh trách nhiệm; về điều kiện phát sinh trách nhiệm; về chủ thể chịu trách nhiệm và về mức bồi thường.

Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn có một số đặc thù nhất định, cụ thể:
- Hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác là hành vi trái pháp luật:

Quyền bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể là quyền nhân thân được pháp luật dân sự ghi nhận, bảo vệ cho mỗi cá nhân, mọi chủ thể đều có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền đó, không ai có quyền xâm phạm. Do đó hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân là hành vi trái pháp luật, trừ những trường hợp ngoại lệ theo quy định pháp luật.

- Thiệt hại xảy ra khi bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe bao gồm cả thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần: 

Khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khác, người gây thiệt hại thường chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác phải chịu trách nhiệm cả vật chất lẫn tinh thần, cả thiệt hại trực tiếp lẫn gián tiếp.

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe phát sinh không cần yếu tố lỗi:

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, lỗi là yếu tố bắt buộc khi xác định điều kiện phát sinh vì thiệt hại xảy ra là do hành vi có lỗi của con người, còn đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi. Ví dụ như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015.

Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người nhằm mục đích bảo vệ cho tính mạng, sức khỏe của cá nhân không thể bị xâm phạm. Đồng thời, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, phòng ngừa các hành vi vi phạm khác. Để đạt được mục đích này, pháp luật hiện hành yêu cầu việc bồi thường phải kịp thời, nhanh chóng và bồi thường toàn bộ. Trong quá trình bồi thường có thể giảm mức bồi thường khi đáp ứng đủ điều kiện luật định; có thể thay đổi mức bồi thường nếu không còn phù hợp với thực tế.

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe không phát sinh đối với chủ thể là pháp nhân:

Điều này xuất phát từ các đặc điểm bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người nên trong quan hệ này, chủ thể là pháp nhân chỉ có thể đóng vai trò là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không thể là chủ thể được bồi thường thiệt hại.

- Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền nhân thân gắn liền với người bị thiệt hại và không thể chuyển giao cho người khác:

Với tính chất là một trong số các quyền nhân thân liên quan đến cơ thể con người, quyền đối với tính mạng, sức khỏe có đầy đủ các đặc điểm của quyền nhân thân liên quan đến cơ thể con người, các quyền này được bảo hộ vô thời hạn và có thể được bảo hộ không phụ thuộc vào đơn yêu cầu. Việc khôi phục lại đối tượng của quyền là những giá trị nhân thân khi bị xâm phạm là hầu như không thể thực hiện được. 

Và trong mối quan hệ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe không thể thay đổi chủ thể. Điều này được quy định tại Điều 365, BLDS năm 2015, cụ thể:

  1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây:

  2. Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Điều này cũng xuất phát từ việc quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe là các quyền nhân thân cơ bản của con người, gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác.
Bên cạnh đó, nội dung mà hầu hết mọi người đều quan tâm đến khi nghiên cứu về chế định bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng con người là quy định về xác định thiệt hại.

Bộ luật dân sự năm 2015 xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, sức khỏe bị đe dọa như sau:
1. Về thiệt hại do sức khỏe bị đe dọa, Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 xác định thiệt hai bao gồm:
-  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

-  Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

-  Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
-  Thiệt hại khác do luật quy định.

-  Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
2. Về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 xác định thiệt hại bao gồm:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự 2015;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định

- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Có thể nói, quy định về chế định bồi thường thiệt hại do xâm phạm về sức khỏe, tính mạng con người đã tương đối toàn diện và dần được hoàn thiện hơn trong quá trình xây dựng pháp luật.

Người phạm tội phải thực hiện xong trách nhiệm bồi thường này thì mới được coi là thực hiện xong các nghĩa vụ và mới được xóa án tích, do đó việc luật hóa quy định này trong Bộ luật hình sự có tính ràng buộc đối với người phạm tội để người phạm tội tự thấy lợi ích thực hiện trách nhiệm bồi thường cho người bị hại hoặc gia đình người bị hại.

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G