Những nội dung cơ bản nhất cần lưu ý khi lập hợp đồng

Đầu tiên để biết được những nội dung nào cần phải có trong mọi loại hợp đồng thì cần phải hiểu hợp đồng là gì. Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 đã đưa ra khái niệm về Hợp đồng đó là “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Nói ngắn gọn hợp đồng là luật đưa ra các khung pháp lý ứng xử đối với các chủ thể của hợp đồng, nói cách khác hợp đồng là văn bản để các bên chi tiết hóa các quy định của pháp luật vào trong giao dịch cụ thể của mình.

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên và pháp luật cũng luôn ưu tiên áp dụng đối với các thỏa thuận tự nguyện của các chủ thể, trong mọi trường hợp pháp luật không cấm thì các điều khoản trong Hợp đồng sẽ được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh quan hệ trong hợp đồng. Do đó, khi lập hợp đồng các bên cần phải thỏa thuận càng chi tiết các điều khoản, các nội dung thỏa thuận càng tốt vì các điều khoản này sẽ luôn được ưu tiên áp dụng khi có tranh chấp xảy ra.

Vì vậy, để có thể lập ra một hợp đồng tốt bảo đảm ngang bằng các quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể trong hợp đồng, người xây dựng hợp đồng cần phải hiểu thấu đáo lĩnh vực mình xác lập hợp đồng, đối tác xác lập hợp đồng và các ưu thế cũng như hoàn cảnh tại thời điểm xác lập hợp đồng. Một hợp đồng tốt là một hợp đồng có thể bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người tham gia hợp đồng khi xảy ra tranh chấp. Như vậy, khi xây dựng hợp đồng tâm thế của người xây dựng phải dựa trên điểm mấu chốt là khi tranh chấp hợp đồng có đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia hợp đồng hay không. Các mốc sự kiện làm điều kiện phát sinh nghĩa vụ đối với các chủ thể trong hợp đồng có hợp lý hay không và khi một bên vi phạm nghĩa vụ có phải trả giá đắt hơn việc tuân thủ hợp đồng hay không sẽ là những ràng buộc pháp lý bảo đảm cho Hợp đồng có được thực hiện trên thực tế hay không.

Với quy định tại điều 398 Bộ luật dân sự 2015 về các nội dung cơ bản trong hợp đồng thì hợp đồng có thể có các nội dung như sau:

- Đối tượng của hợp đồng;

- Số lượng, chất lượng;

- Giá, phương thức thanh toán;

- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

- Phương thức giải quyết tranh chấp.

Theo như quy định trên thì không có bất cứ hạn chế nào đối với phạm vi quy định trong hợp đồng, các chủ thể có thể thỏa thuận bất kỳ điều khoản nào liên quan nếu thấy cần thiết trong giao dịch của mình và nội dung nào thiếu sót thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật dân sự. Tại sao pháp luật không thể quy định cứng các điều khoản phải có trong Hợp đồng là do xã hội có bao nhiêu lĩnh vực khác nhau thì hợp đồng cũng có bấy nhiêu loại tương ứng với từng lĩnh vực đó. Nên việc quy định cụ thể các điều khoản phải có trong hợp đồng là không hợp lý và không phù hợp với sự đa dạng của các lĩnh vực đặc thù trong dân sự.

Qua thực tế tham gia tranh chấp các vụ án tranh chấp về hợp đồng chúng tôi đưa ra một số nội dung vô cùng quan trọng và thường là các nội dung hay dẫn tới tranh chấp sau này đó là:

THẨM QUYỀN KÝ HỢP ĐỒNG

Điều này là đặc biệt quan trọng nhưng lại rất ít khi được để ý tới và rất nhiều hợp đồng đã bị vô hiệu do chủ thể ký hợp đồng không có đủ thẩm quyền ký hợp đồng. Thẩm quyền ký hợp đồng chia ra hai trường hợp là pháp nhân và chủ thể ký là cá nhân

- Đối với pháp nhân: Thì pháp luật về doanh nghiệp quy định Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người đại diện cho doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng cũng như đại diện cho doanh nghiệp để thực hiện các công việc khác nhân danh pháp nhân. Và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì có thể làm Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT/HĐTV Công ty

Nhưng không phải lúc nào Người đại diện theo pháp luật cũng là người ký kết Hợp đồng, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn. Khi đó người khác đứng ra ký Hợp đồng như Phó giám đốc ……. thì nhất thiết đối tác ký Hợp đồng phải yêu cầu bên đó phải cung cấp cho mình văn bản ủy quyền của người có thẩm quyền là Người đại diện theo pháp luật.

- Đối với cá nhân: Khi các nhân xác lập hợp đồng thì phải xem người đó có đầy đủ quyền của chủ thể ký kết hay không, điều này xảy ra khi xác lập giao dịch có đối tượng tài sản thuộc sở hữu chung theo phần hoặc sở hữu chung hợp nhất …..

ĐỐI TƯỢNG CỦA GIAO DỊCH

Khi lập hợp đồng thì ai trong chúng ta cũng biết được là mua bán cái gì nhưng rất ít người có thể đưa điều khoản mà khi đọc xong thì người khác nhất định sẽ chọn đúng cái như đã mô tả trong hợp đồng. Điều này có nghĩa là chúng ta hay mặc định rằng tên gọi chúng ta hay gọi thì chỉ cần nhắc tới trong hợp đồng thì tức là đối tượng của hợp đồng phải là cái như chúng ta thường thấy nhưng thực tế thì muôn hình vạn trạng và chỉ cần khác một chi tiết nhỏ cũng có thể dẫn tới đối tượng của giao dịch không đúng như mong muốn.

Vì vậy, khi mô tả đối tượng của giao dịch chúng ta cần đưa ra các mô tả thật chi tiết và cái gì định lượng được thì chúng ta phải định lượng ra như:

- Tỷ lệ bao nhiêu;

- % bao nhiêu;

- Kích thước bao nhiêu;

- Nơi nào sản xuất;

- Màu sắc cụ thể theo bảng màu;

- Các đặc tính kỹ thuật cụ thể;

- ….........

Với các thông số cụ thể như vậy thì trong giao dịch đối tác của chúng ta sẽ không có cơ hội để có thể gian dối hay giao những mặt hàng kém chất lượng cho chúng ta.

THỜI ĐIỂM VÀ PHƯƠNG THỨC GIAO HÀNG

Với nền kinh tế hiện nay thì thời gian chính là vàng, việc sai sót một khoảng thời gian nhất định có thể làm cho chúng ta bị phá sản hoặc bị thiệt hại rất lớn trong hoạt động kinh doanh. Vì lẽ đó, tùy thuộc vào tính chất của từng giao dịch chúng ta cần quy định cụ thể giờ giấc, ngày tháng và phương thức giao hàng trong hợp đồng. Kèm theo đó có các chế tài tương ứng đối với mỗi hành vi sai lệch không đúng như thỏa thuận trong hợp đồng để các đối tác thấy việc tuân thủ hợp đồng phải có lợi hơn việc vi phạm nó từ đó có trách nhiệm trong khi thực hiện hợp đồng.

Đối với một số hợp đồng khi không quy định chi tiết phương thức giao hàng như giao tại điểm bên bán hay bên mua; việc bốc hàng là bên nào …….thì có thể phát sinh nhiều rắc rối, đi kèm đó là chi phí có thể tăng lên rất nhiều. Quan trọng là nó có thể ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động kinh doanh của chúng tôi trong thời đại cái gì cũng nhanh như bây giờ.

ĐIỀU KHOẢN THANH TOÁN

Chọn ra sự kiện để làm mốc phát sinh nghĩa vụ thanh toán là vô cùng quan trọng trong mọi loại hợp đồng, nó sẽ là cơ sở pháp lý để một bên yêu cầu các bên còn lại thực hiện nghĩa vụ khi đã đủ các điều kiện thanh toán là mốc sự kiện pháp lý như Hợp đồng đã quy định. Tiến độ thanh toán cũng như phương thức thanh toán trong Hợp đồng bên cạnh các mốc sự kiện pháp lý làm pháp sinh nghĩa vụ thanh toán cũng là điều cực kỳ quan trọng. Có thể nói đến 90% các vụ tranh chấp liên quan tới hợp đồng là do vi phạm quy định về nghĩa vụ thanh toán trong Hợp đồng.

Điều khoản quy định về thanh toán là trọng tâm đối với mọi loại hợp đồng và bản chất của Hợp đồng cũng là vì lợi ích từ các bên mới dẫn tới việc xác lập hợp đồng. Do đó, khi xác lập hợp đồng cần phải căn cứ vào tính chất, điều kiện hoàn cảnh cũng như các sự liệu trong tương lai để xây dựng điều khoản thanh toán tốt nhất với mong muốn của mình.

Với kinh nghiệm của chúng tôi khi xây dựng điều khoản thanh toán các chủ thể cần lưu ý tới những yếu tố cơ bản nhất như sau:

  • Quy định mốc sự kiện mà khi xảy ra các sự kiện đó thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện trách nhiệm thanh toán. VD như: Ngay sau khi ký HĐ thanh toán bao nhiêu %; Khi bên bán đã đặt hàng với bên sản xuất; Khi hàng tới chân công trình; Đặt ra một thời hạn nhất định từ khi ký Hợp đồng….v….v…..
  • Tính toán các đợt thanh toán phù hợp với tiến độ thực hiện của Hợp đồng.
  • Đưa ra các biện pháp bồi thường, phạt hợp đồng để ngừa trường hợp một bên vì lý do nào đó bất ngờ chậm trễ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
  • Tính toán các mức phạt đối với hành vi chậm thanh toán để bên phải thanh toán thấy việc tuân thủ hợp đồng sẽ có lợi hơn việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
  • Xây dựng phương án trong trường bên có nghĩa vụ thanh toán chây ì, hoặc trốn tránh nghĩa vụ thanh toán thì bên có quyền được thực hiện các hành vi nào đó để đối trừ. Cụ thể như: Thu hồi nguyên vật liệu đã cung cấp……v…v…..
  • Đưa ra các mốc sự kiện kép và khi xảy ra sự kiện pháp lý thứ hai thì điều kiện thanh toán sẽ tự động được kích hoạt. VD: Quy định điều khoản thanh toán đợt 1 là khi bên A đã thực hiện được đến tầng 2 của công trình thì bên B phải tới xác nhận khối lượng để thanh toán. Thì sự kiện thứ hai là Bên A thông báo với Bên B và nếu quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bên A gửi thông báo cho Bên B mà bên B không xác nhận thì mặc nhiên phát sinh nghĩa vụ thanh toán của Bên B.
  • Đưa ra các dự đoán sự kiện pháp lý có thể xảy ra trong tương lai để phát sinh quyền điều chỉnh tương ứng đối với các nội dung trong hợp đồng. Điều này là vô cùng quan trọng vì thế giới chúng ta đang sống thay đổi rất nhanh, mọi vấn đề đều có thể tác động rất lớn đến việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên.
  • Ngoài ra tùy thuộc vào tính chất của mỗi loại hợp đồng cụ thể để xây dựng các điều khoản thích hợp.

LỰA CHỌN CƠ QUAN TÀI PHÁN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Các điều khoản quy định nội dung này thường không được coi trọng và đại đa số các chủ thể hay copy các mẫu có sẵn trên mạng hoặc từ các hợp đồng khác mà không biết rằng khi xảy ra tranh chấp sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Luật dân sự cho phép các bên có quyền thỏa thuận cơ quan tài phán trong hợp đồng khi xảy ra tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng, vậy nên hãy tận dụng triệt để điều này để đưa ra các yêu cầu hợp lý quy định trong hợp đồng. Nhất là đối với các chủ thể ở các địa phương khác nhau và cách xa nhau thì việc di chuyển tới Tòa án tại địa phương khác theo kiện là một điều cực kỳ mệt mỏi và tốn kém. Đặc biết đối tác lại là ở quốc gia khác thì khi đó việc bảo vệ quyền lợi của mình là vô cùng khó khăn nếu không xây dựng điều khoản này một cách cẩn trọng. Do đó, khi thỏa thuận cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp bên xây dựng hợp đồng nên cân nhắc lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp một cách hợp lý để đảm bảo quyền lợi của mình tối đa khi buộc phải giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Bên cạnh đó rất ít Hợp đồng hiện nay để cơ quan giải quyết tranh chấp là các Trung tâm trọng tài thương mại, trong khi đây là một cơ chế giải quyết tranh chấp cực kỳ hiệu quả và nhanh gọn. Trọng tài thương mại đã được pháp luật dân sự công nhận là một cơ quan giải quyết tranh chấp và có đầy đủ chế tài bắt buộc thực hiện đối với các bên theo pháp quyết của trọng tài thương mại. Việc giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại sẽ giúp các bên nhanh chóng dàn xếp được vướng mắc, đồng thời nhanh chóng giải quyết tranh chấp giữa hai bên, tránh được các thiệt hại không đáng có nếu giải quyết tại Tòa án. Việc giải quyết nhanh chóng là cực kỳ quan trọng đặc biệt trong thời đại hiện nay, nhanh chậm một hai ngày cũng đã có thể dẫn tới phá sản đối với doanh nghiệp khi vướng vào tranh chấp.

KẾT LUẬN

Hợp đồng có trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nên nó cũng đa dạng như cuộc sống vốn có của chúng ta. Vì lẽ đó đưa ra một quy chuẩn cho mọi hợp đồng là không thể và là viển vông. Trên đây là những lưu ý cơ bản nhất trong quá trình hoạt động luật sư chúng tôi thấy rằng các bên hay vướng mắc những nội dung này để đưa ra luận bàn.

Chính vì vậy khi xây dựng hợp đồng, chúng tôi thiết nghĩ các nên nhờ sự tư vấn của các Luật sư để có thể lập lên một hợp đồng tốt nhất đảm bảo các quyền lợi của chính mình. Đôi khi việc xây dựng thiếu sót trong một hợp đồng có thể dẫn tới phá sản đối với doanh nghiệp hoặc gây ra thiệt hại rất lớn cho chủ thể trong hợp đồng.

Ngay khi cần xây dựng một hợp đồng với bất kỳ đối tác nào, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn sớm nhất.

=> Thông tin trên được cung cấp bởi Luật sư chuyên môn LẠI VĂN DOÃN, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn thành lập Doanh nghiệp, Xác nhập, tách rời Doanh nghiệp, Tư vấn thành lập Doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% nước ngoài, Tư vấn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam,... đang là luật sư uy tín của các Khách hàng Doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Thông tin liên hệ:

Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội:

Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 07.6668.1111

Email: vicolylaw@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G