Quy định về Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Người phạm tội có thể do bản tính, có thể do hoàn cảnh xô đẩy hoặc có thể vì nguyên nhân nào đó nhưng dù có là bất kỳ ai thì người đó luôn tồn tại bên trong có sự hướng thiện và lòng trắc ẩn. Và một thời điểm nào đó nó trỗi dậy, đặc biệt khi đang thực hiện hành vi phạm tội vì lý do nào đó người phạm tội chủ động chấm dứt không thực hiện đến cùng.

Pháp luật hình sự là pháp luật có tính răn đe nhưng nó cũng có tính giáo dục, trong trường hợp này pháp luật khuyến khích bất kỳ ai luôn có cơ hội sửa chữa sai lầm kể cả khi đang thực hiện hành vi phạm tội mà nửa chừng chấm dứt hành vi này. Theo đó người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định phạm.

Quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một quy định rất nhân văn và hướng thiện. Nó giáo dục công dân trong xã hội sự hướng thiện và cân nhắc khi thực hiện bất cứ hành vi nào gây tổn hại cho xã hội.

Để hiểu thế nào là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chúng ta phải đi vào tìm hiểu các quy định của pháp luật về trường hợp này từ đó phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức về pháp luật.

Đầu tiên chúng ta xem xét khái niệm theo quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự 2015

Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.”

Với quy định trên, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội một mặt thể hiện tính nhân đạo của luật hình sự, nó cho một người đã có ý định phạm tội, đã có hành vi chuẩn bị hoặc bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng đã tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, được hưởng lượng khoan hồng, không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cũng là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Nó cho phép một người có ý định phạm tội, đã chuẩn bị hoặc bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, vẫn có khả năng lựa chọn cách xử sự của mình: Một là tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự; hai là tự mình chấm dứt việc phạm tội thì sẽ được hưởng lượng khoan hồng, không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong nhiều trường hợp một người có hành vi nguy hiểm cho xã hội đã lựa chọn cách xử sự thứ hai và điều đó rõ ràng đã góp phần hạn chế bớt những thiệt hại nguy hiểm có thể xảy ra cho xã hội.

Một hành vi được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải thỏa mãn những điều kiện nhất định:

  • Điều kiện thứ nhất là hành vi chấm dứt việc phạm tội phải là tự nguyện và dứt khoát, nghĩa là phải do chính người thực hiện hành vi tự quyết định chấm dứt việc phạm tội mặc dù không có gì ngăn cản việc người đó tiếp tục phạm tội và sự chấm dứt đó phải là việc từ bỏ hẳn ý định thực hiện tội phạm.
  • Điều kiện thứ hai là sự chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra trong quá trình một người đã có hành vi bắt tay vào việc thực hiện ý định phạm tội nhưng chưa thực hiện được tội phạm đến cùng, nghĩa là hành vi mà người đó thực hiện chưa thỏa mãn được hết các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể mà người đó định phạm.

Theo chúng tôi cần phân biệt hai trường hợp:

- Trường hợp thứ nhất, khi một người đã thực hiện được tất cả những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm, để gây ra hậu quả tội phạm, nhưng hậu quả tội phạm chưa xảy ra, tội phạm chưa hoàn thành do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó thì sau đó mặc dù người ấy lại nhận thức được là vẫn có thể tiếp tục thực hiện tội phạm, gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng đã tự ý không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa thì cũng không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Vì trước khi người đó chấm dứt việc phạm tội hành vi mà người đó thực hiện đã ở giai đoạn phạm tội chưa đạt hoàn thành. Trong trường hợp này hậu quả tội phạm chưa xảy ra, tội phạm chưa hoàn thành được là do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người thực hiện hành vi.

Ví dụ: A định giết B đã chĩa súng vào B bóp cò súng nhưng đạn không nổ. Sau đó mặc dù súng còn đạn nhưng A đã tự mình từ bỏ ý định, không tiếp tục thực hiện hành vi giết B nữa.

- Trường hợp thứ hai, khi một người đã thực hiện được hết những hành vị mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm, để gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng giữa hành vi mà người đó thực hiện với hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra còn có một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian này người đó lại có hành động tích cực để ngăn chặn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra và hậu quả đó đã được ngăn ngừa, tội phạm đã không hoàn thành được, thì cần phải coi người đó là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, vì hành vi mà người đó thực hiện thỏa mãn điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Điều kiện đó là: Trước khi chấm dứt việc phạm tội hành vi mà người đó thực hiện chưa thỏa mãn được tất cả các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể và sự chấm dứt việc phạm tội khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng là do người đó tự nguyện quyết định tuy không có gì ngăn cản.

Để coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức sau khi đã thực hiện hành vi tổ chức, hành vi xúi giục hay hành vi giúp sức phải có những hành động tích cực ngăn chặn việc thực hiện tội phạm của người thực hành khiến cho tội phạm không hoàn thành được, song không đồng ý về việc xác định thời điểm thực hiện hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của những người này.

Theo quan điểm của chúng tôi thì không những trước khi người thực hành bắt tay vào việc thực hiện tội phạm mà cả sau khi người đó bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nếu người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức lại có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm, tội phạm do được ngăn chặn, đã không hoàn thành được thì đều được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vì những trường hợp trên đều thỏa mãn điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định tại điều 16 BLHS.

Phản ánh tinh thần này tại Nghị quyết 1-89/HĐTP ngày 19/4/1989 cũng đã hướng dẫn về điều kiện của sự tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội của người giúp sức là “Nếu sự giúp sức cũng phải có những hành động tích cực… để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm mới được coi là tự nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” ( [4] ).

Tóm lại, khi đề cập đến điều kiện của sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, chúng tội cho rằng cần phải chú ý một số điểm sau:

Sự chấm dứt tội phạm được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải là do người thực hiện hành vi tự nguyện và dứt khoát chấm dứt không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa.

Sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra trước khi một người có hành vi thỏa mãn hết các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể, nghĩa là chỉ có thể xảy ra khi một người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc khi đã có hành vi bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng chưa thực hiện được tội phạm đến cùng.

Nếu một người đã thực hiện được hết những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm nhưng tội phạm chưa hoàn thành do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó thì dù sau đó người ấy không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa cũng không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vì hành vi của người đó đã ở giai đoạn phạm tội chưa đạt (khoản 2 Điều 15 BLHS) (Điều 17 BLHS năm 1999- BBT).

Nếu một người đã thực hiện được hết những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm nhưng giữa hành vi mà người đó thực hiện với hậu quả nguy hiểm cho xã hội còn có một khoảng thời gian. Trong khoảng thời gian này người ấy lại có những hành động tích cực ngăn chặn tội phạm khiến cho tội phạm không hoàn thành được cũng được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Đối với người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cần xác định được là sau những việc mà họ đã làm (tổ chức, xúi giục hay giúp sức) họ lại có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm của người thực hành khiến cho tội phạm không hoàn thành được, không kể hành động ngăn chặn của họ xảy ra trước hay sau khi người thực hành bắt tay vào việc thực hiện tội phạm. 

Như vậy để hiểu các quy định của pháp luật áp dụng vào thực tiễn là một khoảng cách rất xa và rộng, với chúng tôi những chuyên giao trong lĩnh vực pháp luật đôi khi cũng khó định lượng được một cách chính xác các quy định.

Do đó khi gặp bất cứ trường hợp pháp lý nào hãy liên hệ ngay với chúng tôi:

Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội:

Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 07.6668.1111

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G