Tử vong do tiêm Vacxin 19 có được bồi thường không?
Tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang lây lan trên diện rộng với nhiều biến chủng mới, phức tạp và nguy hiểm hơn. Chính phủ đã tổ chức tiêm vacxin đại trà cho toàn bộ người dân để giảm thiểu lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Tuy nhiên, một số người dân còn hoang mang về biến chứng của vacxin sau tiêm gây tử vong và đặt ra câu hỏi: Liệu sau khi tiêm vacxin bị tử vong ai chịu trách nhiệm và có được bồi thường không.
Đứng dưới góc độ pháp lý, công ty Luật Vicoly Hà Nội xin thông tin đến bạn đọc như sau:
Tại khoản 1 điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định:
“Khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.”
Việc tiêm chủng chống dịch là hoạt động do Nhà nước tổ chức tiêm miễn phí cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch. Nếu người được tiêm chủng xảy ra tử vong sau khi tiêm vacxin covid-19 thì Nhà nước sẽ bồi thường cho người bị thiệt hại.
Căn cứ theo khoản 6 điều 30 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007:
- Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
- Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Những quy định nêu trên áp dụng đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch.
Điều 6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP đã quy định khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng thì phải thực hiện điều tra, đánh giá nguyên nhân gây tai biến nặng sau tiêm chủng; xác định trường hợp được bồi thường; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vaccine có liên quan đến tai biến nặng sau tiêm chủng.
Nếu kết luận cuối cùng xác định trường hợp người được tiêm chủng tử vong do sốc phản vệ được bồi thường thì thân nhân của người này sẽ được bồi thường các khoản chi phí theo quy định.
Các khoản chi phí thân nhân được bồi thường sau khi tử vong do tiêm vacxin covid-19 được tính như sau:
- Chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế;
- Thiệt hại do thu nhập đã mất hoặc giảm sút theo quy định tại khoản 4 điều 6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP;
- Chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định (tương đương với 14.900.000 đồng);
- Chi phí tổn thất về tinh thần 100.000.000 đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại.
Thủ tục bồi thường và trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường
Thủ tục bồi thường và trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường được hướng dẫn tại Điều 18, Điều 19 Nghị định 104/2016/NĐ-CP:
“Điều 18. Thủ tục bồi thường
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh (thời điểm tiếp nhận được tính theo dấu tiếp nhận công văn đến của Sở Y tế), Sở Y tế ra quyết định giải quyết bồi thường đối với các trường hợp được Nhà nước bồi thường theo quy định tại Nghị định này.
2. Quyết định giải quyết bồi thường phải có các nội dung chính sau:
a) Tên, địa chỉ của người được bồi thường;
b) Tóm tắt lý do bồi thường;
c) Mức bồi thường;
d) Hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường.
3. Quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho người bị thiệt hại, người có lỗi hoặc cơ quan tổ chức có lỗi gây thiệt hại (nếu có).
4. Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện ra tòa án.
Điều 19. Trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, Sở Y tế phải có văn bản gửi Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đề nghị cấp kinh phí để thực hiện bồi thường kèm theo quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp kinh phí để thực hiện bồi thường, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phải cấp kinh phí cho Sở Y tế để chi trả cho người bị thiệt hại.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí do Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cấp, Sở Y tế phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại.
Việc chi trả phải thực hiện 01 lần bằng tiền mặt cho người bị thiệt hại hoặc chuyển khoản theo yêu cầu của người bị thiệt hại. Trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu trả bằng chuyển khoản thì thực hiện theo yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại. Nếu chi trả bồi thường bằng tiền mặt thì phải thông báo trước ít nhất 02 ngày cho người bị thiệt hại, việc nhận tiền bồi thường được lập thành 02 bản, mỗi bên tham gia giao nhận giữ 01 bản.”
Sốc phản vệ sau tiêm vacxin covid-19 dẫn đến tử vong là trường hợp không ai mong muốn và hy hữu nhất trong quá trình tiêm chủng phòng chống dịch bệnh. Vì vậy sau khi tiêm, các cơ sở tiêm chủng, đơn vị phòng chống dịch luôn có những hướng dẫn, khuyến cáo theo dõi sức khỏe sau khi tiêm cho mọi người dân. Bên cạnh đó, mỗi người nên có ý thức cộng đồng, chủ động hợp tác với các cơ quan nhà nước trong việc tiêm chủng và liên hệ cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn kịp thời.
Có thể thấy, Nhà nước ta rất quan tâm và có trách nhiệm trong việc tiêm chủng phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe của người dân trong đại dịch covid-19 lần này.