Thủ tục giải quyết thuận tình ly hôn
Ly hôn là án có số lượng nhiều nhất trong số các loại án và thường chiếm 50% tổng số các vụ án của Tòa án giải quyết. Trong số các đôi ly hôn thì cũng có nhiều đôi ly hôn trong “Hòa bình” tức là lựa chọn phương án Thuận tình ly hôn để thỏa thuận giải quyết tất cả các vấn đề để cùng nhau chăm sóc con cái sau ly hôn.
Thuận tình ly hôn là phương án “Nhẹ nhàng”, văn minh nhất trong cách giải quyết vấn đề khi hai người không còn muốn chung sống với nhau nữa. Đây là cách thức giải quyết ly hôn vừa nhanh vừa giúp cho hai bên thoải mái nhất sau ly hôn, có thể cùng nhau chăm sóc con chung của hai người. Quan trọng nhất đó là khi hai bên Thuận tình ly hôn thì sẽ không có tranh chấp, không gây ức chế tâm lý cho nhau, không xúc phạm nhau, không tranh giành nhau về tài sản cũng như con cái, điều này sẽ làm cho con chung của hai người không bị tổn thương thêm ngoài việc bố mẹ ly hôn.
Song thuận tình ly hôn chỉ được Tòa án chấp nhận khi cả người không có bất cứ tranh chấp nào về các nội dung yêu cầu tòa giải quyết là tình cảm, tài sản và con chung. Chỉ cần một bên không đồng thuận về bất cứ nội dung nào ở trên thì Tòa sẽ chuyển vụ việc sang giải quyết thành tranh chấp ly hôn chứ không được giải quyết theo thủ tục thuận tình ly hôn.
Vì vậy, để giải quyết theo thủ tục thuận tình ly hôn cả hai người phải cùng nhau thương lượng về tất cả các nội dung từ phân chia tài sản, phân chia quyền nuôi con cũng như trách nhiệm cấp dưỡng cho con thì mới được Tòa án chấp thuận cho Thuận tình ly hôn.
Thủ tục thuận tình ly hôn theo quy định khá chi tiết tại Điều 397 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 397. Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
2. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
3. Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.
4. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
5. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định”
Như vậy, theo quy định trên thì dù có thuận tình ly hôn nhưng Tòa án vẫn bắt buộc phải tiến hành hòa giải để đoàn tụ vợ chồng, đây là quy định bắt buộc để đảm bảo không bên nào vì một lý do nào đó bị ép buộc hay tác động từ bên ngoài.
Thẩm phán sẽ giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho hai bên để hai bên hiểu rõ các quyền của mình, đồng thời khi Tòa tiến hành hòa giải thì bắt buộc hai bên phải đưa ra trình bày của mình từ đó có thể hóa giải các mâu thuẫn mà bình thường không thể nói được với nhau. Đây là một quy định hết sức nhân văn và cũng là đảm bảo việc ly hôn không phải do cảm xúc nhất thời từ một hay hai phía. Thực tế, trong quá trình hòa giải đã có rất nhiều cặp vợ chồng không ly hôn nữa và đoàn tụ tiếp tục cuộc sống vợ chồng cùng nuôi dạy con cái.
Và như đã phân tích ở trên Khoản 4 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định rõ chỉ khi nào cả vợ và chồng cùng đồng thuận tất cả các nội dung trong giải quyết ly hôn thì Tòa án mới chấp nhận giải quyết theo thủ tục Thuận tình ly hôn còn ngoài ra có bất cứ tranh chấp nào sẽ như Khoản 5 Điều 397 đã quy định là: “Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định”
Vậy thời gian giải quyết theo thủ tục Thuận tình ly hôn trong bao lâu:
Thuận tình ly hôn được giải quyết theo thủ tục việc dân sự tức là ngắn gọn, đơn giản hơn so với thủ tục giải quyết đối với tranh chấp dân sự. Như trên tôi đã phân tích thì thời gian giải quyết việc dân sự sẽ tương ứng với từng giai đoạn như sau:
- Thụ lý đơn: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu
Lưu ý: Tài liệu kèm theo đầy đủ thì Tòa mới thụ lý đơn của các bạn. Không đủ tài liệu Tòa sẽ trả lại đơn.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự
- Thời hạn chuẩn bị xét đơn: Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu, trừ trường hợp Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định khác
- Thời hạn có hiệu lực của Quyết định Công nhận thuận tình ly hôn: Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn Thẩm phán sẽ tổ chức các phiên hòa giải để đoàn tụ gia đình. Trường hợp không thành thẩm phán sẽ ra Quyết định công nhận Thuận tình ly hôn.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra Quyết định mà không bên nào phản đối thì Quyết định sẽ có hiệu lực.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Quyết định có hiệu lực Tòa án sẽ phải gửi cho các đương sự.
Án phí ai sẽ phải chịu và mức là bao nhiêu?
- Mức án phí nộp cho Tòa giải quyết thuận tình ly hôn là: 300.000 đồng
- Vợ chồng có thể thỏa thuận ai phải nộp số tiền án phí này. Trong trường không có thỏa thuận thì mỗi bên sẽ phải chịu một nửa.
Thông thường cơ quan giải quyết việc Thuận tình ly hôn là các Tòa án cấp huyện sẽ không đúng thời hạn như Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định mà vẫn làm theo thói quen áp đặt người dân nhất là ở các vùng tỉnh địa phương.
Do sự hiểu biết pháp luật của dân ở các địa phương còn hạn chế nên không biết được các quyền của công dân đối với công việc mà công chức phải thực thi, không biết họ làm đúng hay sai dẫn tới rất nhiều Tòa án địa phương tùy tiện trong giải quyết công việc.
Để bảo vệ quyền lợi của mình đầy đủ và kịp thời các bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn, trong trường hợp cần luật sư tham gia chúng tôi sẽ cử luật sư để cùng các bạn vượt qua vướng mắc pháp lý đang gặp phải. Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 24/24: 1900 633 286
Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội:
Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 07.6668.1111
Email: vicolylaw@gmail.com