Tư vấn di sản thừa kế

Chia thừa kế là một lĩnh vực rất rộng lớn, người để lại di sản có tài sản là gì thì sẽ áp dụng quy định của pháp luật lĩnh vực đó cũng với Bộ luật dân sự để phân chia các di sản thừa kế này. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đưa ra các ý cơ bản để người đọc dễ hình dung ra nếu trong trường hợp phát sinh quyền thừa kế thì di sản thừa kế sẽ được chia như thế nào.

Đầu tiên cần phải hiểu khi nào thì phát sinh quyền thừa kế tức là thời điểm mở thừa kế, đó là khi: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật dân sự 2015”

Xác định được thời điểm mở thừa kế xong thì cần phải xác định bước tiếp theo là địa điểm mở thừa kế, địa điểm này là: “Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản”

Sau khi xác định được hai nội dung trên chia di sản thừa kế theo tỷ lệ như thế nào sẽ căn cứ vào các trường hợp như sau:

1. Trường hợp người chết để lại Di chúc và di chúc hợp pháp:

Di sản sẽ chia theo di chúc và chia thêm trong một số trường hợp đặc biệt quy định trong Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

2. Trường hợp người chết không có Di chúc hoặc Di chúc không có hiệu lực pháp luật và các trường hợp trong Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015:

Đầu tiên cần phải xác định ai là người có quyền hưởng di sản, Điều 651 quy định chi tiết người nào được hưởng thừa kế theo pháp luật. Cụ thể:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Các hàng thừa kế trên được hưởng theo thứ tự và khi nào hàng thừa kế trên không còn người thừa kế do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì mới xét tới hàng thừa kế tiếp theo.

Trường hợp đã xác định được những người hưởng thừa kế từ di sản của người chết để lại thì sẽ chia đều cho tất cả mọi người trong hàng thừa kế, với các tài sản không chia đều được thì những người thừa kế có quyền thỏa thuận để ai nhận tài sản và ai nhận tiền.

Trường hợp nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

Ngoài ra có một số trường hợp đặc biệt pháp luật quy định về việc hạn chế quyền phân chia di sản theo Điều 661 Bộ luật dân sự năm 2015 là:

“Điều 661. Hạn chế phân chia di sản

Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm”

Như vậy, pháp luật không có bất cứ quy định nào về việc phân biệt quyền hưởng di sản có khác biệt nào giữa con trai hay con gái. Các con đều có quyền hưởng di sản như nhau và bằng nhau chứ không có bất cứ ưu tiên nào. Tại các địa phương của nước ta hiện nay vẫn đang tồn tại suy nghĩ chỉ con trai mới được hưởng thừa kế là vô cùng lạc hậu và chính điều này dẫn tới ngày càng có nhiều tranh chấp quyền hưởng di sản thừa kế giữa anh em trong gia đình. Xã hội ngày càng văn minh, ngày càng phát triển chúng ta cần phải xóa bỏ suy nghĩ lạc hậu về suy nghĩ “trọng nam khinh nữ” và cần tôn trọng pháp luật, nam nữ bình đẳng trước pháp luật.

Tuy pháp luật có quy định rất chi tiết về việc chia di sản thừa kế, song trong cuộc sống di sản để lại vô cùng đa dạng cũng đa dạng như các loại tài sản trong cuộc sống như quyền sử dụng đất, cổ phần, … Do đó, rất nhiều di sản để lại vô cùng khó chia, khó thỏa thuận dẫn tới các bên không thể thống nhất được phải nhờ tới Tòa án giải quyết, khi đó việc phân chia di sản sẽ trở lên rất mệt mỏi và tốn kém.

Khi có vướng mắc gì trong việc phân chia di sản thừa kế hãy nhấc máy liên hệ ngay với chúng tôi Công ty Luật Vicoly Hà Nội để nhận được tư vấn kịp thời, tránh vụ việc căng thẳng mất kiểm soát ảnh hưởng tới tình cảm gia đình.

 

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G