Tư vấn giải quyết tranh chấp ly hôn
Trong số các cặp đôi ly hôn thì đại đa số là không thể thương lượng hòa giải, thậm chí không nhìn mặt nhau nên sẽ thường phát các tranh chấp trong quá trình giải quyết, một bên không muốn ly hôn, tranh chấp về tài sản, tranh chấp về con cái. Vậy khi một trong hai bên không đồng ý với quan điểm của bên còn lại trong yêu cầu giải quyết ly hôn thì muốn ly hôn người đó sẽ phải làm gì để được Tòa án chấp nhận yêu cầu.
1. Ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?
Theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình quy định chi tiết về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cụ thể như sau:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”
Theo quy định tại Điều 51 trên thì có ba chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đối với một cặp vợ chồng, Vợ hoặc chồng thì là đương nhiên theo hiểu biết thông thường và còn một đối tượng nữa ít người biết đó là “Cha, mẹ, người thân thích khác”. “Cha, mẹ, người thân thích khác” chỉ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp đặc biệt duy nhất đó là “khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”. Điều này nhằm đảm bảo quyền con người khi vướng vào những tình huống đặc biệt đó, thì vợ hoặc người chồng không còn đủ tỉnh táo để thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn và quy định này cũng đảm bảo quyền con người đó là quyền được mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.
Bên cạnh đó, Điều luật này cũng loại trừ một trường hợp người chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi “vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Quy định để đảm bảo quyền của bà mẹ và trẻ em, khi mang bầu và khi chăm con dưới 12 tháng tuổi là những đối tượng cần được pháp luật bảo vệ. Song trường hợp này không loại trừ quyền của người vợ, tức là trường hợp này người vợ vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn và Tòa án không được từ chối.
2. Những nội dung Tòa án sẽ giải quyết khi ly hôn
Tòa án sẽ xem xét giải quyết ly hôn ở ba nội dung, trong đơn ly hôn các đương sự cũng phải trình bày rõ quan điểm về ba nội dung này, đồng thời cũng phải cung cấp các tài liệu chứng cứ kèm theo để chứng minh cho quan điểm của mình.
Ba nội dung Tòa án sẽ giải quyết đó là:
- Tình cảm: Mục đích hôn nhân không đạt được là cùng chung sống hạnh phúc, nuôi dạy con cái, tạo lập tài sản ….
- Tài sản: Toàn bộ những tài sản đang có, những khoản người khác đang nợ và những khoản hai vợ chồng đang nợ người khác.
- Con chung: Trách nhiệm trông nom, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Về tình cảm: Để được Tòa án chấp thuận cho ly hôn thì bên có đơn yêu cầu phải chứng minh được là mục đích hôn nhân không đạt được, điều này không nhất thiết phải có chứng cứ rõ ràng. Bên yêu cầu có lý lẽ, quan điểm trình bày thuyết phục được Tòa án và nếu có chứng cứ xác nhận của Tổ dân phố hay hàng xóm hoặc bên thứ ba nào đó thì đương nhiên Tòa án sẽ chấp thuận. Thực tế hiện nay, với việc một bên đưa ra yêu cầu ly hôn có thể coi là mục đích hôn nhân không đạt được nhưng một số trường hợp lên Tòa lại thừa nhận vẫn có nhiều sinh hoạt chung thì Tòa sẽ khó chấp nhận cho ly hôn.
Về tài sản: Trường hợp vợ chồng đã có thỏa thuận thì Tòa sẽ ưu tiên áp dụng thỏa thuận đó còn trong trường hợp không có thỏa thuận Tòa án sẽ áp dụng nguyên tắc chia theo Khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình. Nguyên tắc này tính tới các yếu tố là Hoàn cảnh gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp; Bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên trong sản xuất kinh doanh; lỗi của mỗi bên…..
Về con chung: Tòa án ưu tiên thỏa thuận của các bên, trường hợp không thỏa thuận được phải giao con cho một bên Tòa án sẽ áp dụng theo nguyên tắc căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Người không nuôi trực tiếp thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng, đồng thời có quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con chung.
3. Thời gian giải quyết ly hôn của Tòa án
Theo thủ tục giải giải quyết án dân sự chung quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự là:
- Thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.
Chỉ ông Chánh án Tòa án mới có quyền gia hạn thêm 02 tháng chứ không phải ông Thẩm phán đang giải quyết vụ án đó.
- Thời hạn mở phiên tòa:
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản như trên, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
d) Đưa vụ án ra xét xử.
Trong trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hoặc bên còn lại có đơn phản tố thì thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ tính lại từ thời điểm từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và từ khi thụ lý đơn phản tố. Như vậy, mỗi lần có các sự kiện này thì thời hạn của vụ án lại nối thêm một khoảng rất dài và cực kỳ mệt mỏi đối với người tham gia vụ án.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng
Như vậy, tính phép cộng đơn giản trong trường hợp không có hoãn, tạm đình chỉ và vụ việc đơn giản thì thời hạn giải quyết Tòa được quyền kéo dài nhất là năm (5) tháng, trường hợp vụ án phức tạp thì có thể lên tới tám (8) tháng.
Với những vụ án rất phức tạp thì thực tế có nhiều vụ án kéo dài tới hàng chục năm và thông thường đại đa số các vụ án ở đất nước ta sẽ kéo dài không dưới một năm.
4. Án phí ly hôn
Hiện nay án phí giải quyết sơ thẩm được quy định chi tiết trong Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:
1 |
Án phí dân sự sơ thẩm |
Chi phí |
1.1 |
Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch |
300.000 đồng |
1.2 |
Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch |
3.000.000 đồng |
1.3 |
Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch |
|
a |
Từ 6.000.000 đồng trở xuống |
300.000 đồng |
b |
Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng |
5% giá trị tài sản có tranh chấp |
c |
Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng |
20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
d |
Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng |
36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng |
đ |
Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng |
72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
e |
Từ trên 4.000.000.000 đồng |
112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng. |
Các bên được quyền thỏa thuận về án phí, trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng theo quy định tại Điều 26 của Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 là Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm; Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận; …………..
Trên đây là sơ lược qua một số nội dung về giải quyết ly hôn của Tòa án hiện nay nhưng qua đây mới chỉ có thể nói được một phần nhỏ trong thực tế giải quyết của Tòa án.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được trợ giúp pháp lý đầy đủ nhất, kịp thời nhất để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của bạn.
Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội
Địa chỉ: Số 17/10 ngõ 121, phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Hotline: 07.6668.1111
Email: vicolylaw@gmail.com