Hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý

Nhìn chung các cá nhân cũng như doanh nghiệp nước ta vẫn còn đang làm kinh tế hay thực hiện các giao dịch ký kết hợp đồng dựa phần lớn theo thói quen và sự cả nể. Đa số vẫn giao kết dựa trên sự tin tưởng vào đối tác của mình sẽ thiện chí trong toàn bộ quá trình thực hiện hợp đồng, rất ngại đàm phán về cách giải quyết rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng. Điều này vô hình chung khiến cho các cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia vào các Hợp đồng như đang đặt cược sinh mệnh của mình vào tay người khác và hy vọng rằng đối tác của mình sẽ thực hiện như mình mong muốn.

Rất nhiều hợp đồng sau khi ký kết và thực hiện một thời gian thì chủ thể của hợp đồng mới nhận ra rằng hợp đồng của mình có thể thuộc trường hợp bị vô hiệu do rơi vào các trường hợp pháp luật đã quy định. Khi đó hậu quả đối với các chủ thể tham gia hợp đồng là rất khó đong đếm, không những tổn thất về tiền bạc mà còn mất rất nhiều thời gian để khắc phục vấn đề này và thậm chí có thể làm phá sản toàn bộ kế hoạch kinh doanh của chủ thể đó.

Đối với các trường hợp dẫn tới vô hiệu của hợp đồng thì pháp luật đã quy định tương đối rõ ràng và cũng không có quá nhiều các trường hợp loại này. Các chủ thể của hợp đồng nên nắm rõ để tránh rơi vào tình trạng tiến không được mà lùi cũng không xong.

 

I. CÁC TRƯỜNG HỢP HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì có bảy trường hợp mà khi rơi vào sẽ dẫn tới vô hiệu đối với hợp đồng. Cụ thể chúng tôi đi vào phân tích từng trường hợp như sau:

- Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thế nào là điều cấm của luật và trái với đạo đức xã hội như sau:

“Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”

Luật có rất nhiều nội dung cấm không cho phép các chủ thể thực hiện hành vi và để biết được đối tượng của Hợp đồng mình định giao kết có bị pháp luật cấm hay không thì chủ thể của Hợp đồng chỉ cần tìm hiểu nhanh trên các phương tiện thông tin đại chúng là có thể nắm được cơ bản.

Nếu thấy chưa thực sự hiểu rõ thì tốt nhất là đến tìm các luật sư để được tư vấn cụ thể và nắm bắt được kịp thời các quy định của pháp luật hiện hành. Do pháp luật nước ta thay đổi rất nhanh, các văn bản luật rất nhanh bị sửa đổi bổ sung và đồng thời các văn bản dưới luật thì đôi khi bị chồng chéo dẫn tới hôm nay thì cấm nhưng ngày mai có khi lại bỏ cấm.

Trong lĩnh vực nào cũng có sẽ có những cái luật cấm để ngăn chặn rủi ro cho các chủ thể trong giao dịch, bảo vệ an toàn trật tự xã hội. Như: không được mua bán đối với đất đai không có giấy tờ sở hữu hợp pháp; Các mặt hàng yêu cầu phải có Giấy phép kinh doanh mới được mua bán không có đủ Giấy phép sẽ bị cấm như thuốc nổ, hóa chất …..; ….v….v….

Trái với đạo đức xã hội ví dụ như: Hợp đồng tình ái; Hợp đồng mang thai hộ; Hợp đồng về việc không cho ai đó mang thai; Hợp đồng về nội dung không cho ai đó tái giá; ... v…v…

- Hợp đồng vô hiệu do giả tạo

Điều 124 Bộ luât dân sự 2015 đưa ra hai trường hợp Hợp đồng bị vô hiệu do giả tạo đó là:

“1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.”

Thực hiện một giao dịch nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác là một hành vi khá phổ biến trong xã hội nhằm mục đích che giấu giao dịch thực sự. Nhưng các trường hợp vay mượn rồi bị bên cho vay ép phải ký hợp đồng mua bán đất thì việc giao dịch mua bán đất là nhằm che dấu giao dịch thực sự là vay mượn đằng sau để trừ nợ thì giao dịch mua bán sẽ là vô hiệu.

Đối với trường hợp trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba cũng rất phổ biến trong xã hội, các loại giao dịch này xảy ra khi người có nghĩa vụ dùng các giao dịch để tẩu tán tài sản của mình. Như lập các hợp đồng tặng cho khi đang vướng khoản nợ và không còn tài sản để trả nợ thì Hợp đồng tặng cho sẽ vô hiệu do trốn nghĩa vụ; Bán tài sản trong khi đã có bản án của Tòa án về việc thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì giao dịch mua bán đó sẽ là vô hiệu….v…v…

=> Như vậy, các chủ thể có khi thấy lợi ích của mình bị xâm phạm do các giao dịch giả tạo thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên giáo dịch đó vô hiệu. Các chủ thể yêu cầu cần chứng minh giao dịch yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu phải có một trong hai dấu hiệu là nhằm che giấu một giao dịch khác hoặc trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba.

- Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sư xác lập thực hiện

Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.

Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của những người chưa có đầy đủ năng lực hành vi là các đối tượng chưa thành niên, người mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi để tránh bị các đối tượng khác lợi dụng sự thiếu hiểu biết để chiếm đoạt tài sản của họ.

Song luật cũng có một số trường hợp ngoại trừ kể cả các đối tượng trên thực hiện vẫn có hiệu lực pháp luật trong những trường hợp như sau:

a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

- Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn

Hợp đồng được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

Nhẫm lẫn ở đây phải được hiểu là xuất phát từ cả hai phía đều hiểu sai về đối tượng của giao dịch và sự hiểu sai này phải thể hiện rõ trong nội dung của giao dịch. Nếu là do một bên cố ý hiểu sai thì sẽ không thuộc trường hợp này mà khi đó sẽ thuộc trường hợp vô hiệu do một bên lừa dối.

Ví dụ: Trường hợp ông A mua một đồ vật là cổ vật từ ông B và ông A bán lại cho ông C, trong các hợp đồng đều ghi rõ là đồ vật kia là cổ vật với các đặc tính cụ thể. Sau đó qua giám định phát hiện ra đồ vật đó không phải là cổ vật mà là sản phẩm mới được làm ra kiểu giả cổ. Khi đó ông C và ông A có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố giao dịch mua bán vô hiệu do hai bên nhẫm lẫn.

- Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Để biết khi nào là bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì ta cần phải đi vào tìm hiểu bộ luận dân sự quy định với hành vi như thế nào sẽ rơi vào trường hợp này và người bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép được quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 đã đưa ra khái niệm như sau:

“Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”

Hành vi lừa dối là hành vi cố ý của một bên trong giao dịch nhằm đưa ra các thông tin sai lệch để bên còn lại hiểu sai về tính chất, nội dung của giao dịch và thực hiện giao dịch với chủ thể đó. Trong thực tế trường hợp lừa dối trong giao dịch là tương đối phổ biến do bên lừa dối sẽ nhận được lợi ích lớn hơn rất nhiều so với việc trung thực trong việc thực hiện giao dịch.

Ví dụ: Bên A bán hàng cho Bên B với tiêu chuẩn chất lượng C nhưng khi Bên về kiểm tra, giám định lại thì chất lượng hàng hóa không được như cam kết. Bên B có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch trên vô hiệu.

Đe dọa, cưỡng ép như mô tả trong Điều 127 Bộ luật dân sự cũng là tương đối rõ ràng nhưng hành vi không nhằm trực tiếp chiếm đoạt tài sản mà mục đích buộc bên bị đe dọa cưỡng ép phải thực hiện giao dịch để tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản.

Ví dụ 1: Ép một người phải bán rẻ tài sản của người đó nếu không sẽ công bố những bí mật đời tư của họ.

Ví dụ 2: Đe dọa phải bán tài sản nếu không sẽ gây thương tích cho người thân trong gia đình của người đó.

- Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Trường hợp này người xác lập giao dịch hoàn toàn có đầy đủ năng lực hành vi nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch thì người đó không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Điều này trong thực tế để chứng minh được lúc xác lập giao dịch không nhận thức và làm chủ được hành vi là vô cùng khó khăn, thực tế trong quá trình trợ giúp pháp lý chúng tôi thấy chưa trường hợp nào được Tòa án công nhận.

Tôi có thể ví dụ về trường hợp không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình như lúc đang say rượu.

- Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ về hình thức

Trường hợp này thì tương đối đơn giản và dễ phân biệt được quy định trong Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Hợp đồng vô hiệu dạng này xảy ra tương đối nhiều trong lĩnh vực đất đai, tại nhiều địa phương vẫn đang phổ biến tình trạng các bên lập hợp đồng viết tay giữa hai bên để mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bộ luật dân sự 2015 đưa ra quy định mới là cho dù không đúng hình thức nhưng các bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Quy định này là tiến bộ và hợp lý giúp cho nhiều giao dịch từ rất lâu rồi các chủ thể đã bàn giao đất và giao đủ tiền nhưng do vi phạm về hình thức nên vướng mắc nhiều năm không được giải quyết.

 

II. HẬU QUẢ KHI HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

 

III. KẾT LUẬN

Để hoạt động ký kết hợp tác kinh doanh giữa các chủ thể, tổ chức với nhau diễn ra thuận lợi, tránh những rủi ro đáng tiếc trong việc xây dựng bản hợp đồng kinh doanh dẫn tới trường hợp hợp đồng bị vô hiệu do những yếu tố nào đó, hãy liên hệ với dịch vụ luật sư để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng sẽ luôn được các bên tuân thủ và được pháp luật bảo vệ.

Với đội ngũ luật sư chuyên môn giàu kinh nghiệm trong việc tư vấn, soạn thảo hợp đồng và từng tiếp xúc với các loại hình hợp tác kinh doanh khác nhau, công ty Luật Vicoly Hà Nội sẽ giúp khách hàng loại bỏ những rủi ro không đáng có. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để nhận được trợ giúp pháp lý kịp thời nhất bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.

=> Thông tin trên được cung cấp bởi Luật sư chuyên môn LẠI VĂN DOÃN, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn soạn thảo hợp đồng, Tư vấn luật Doanh nghiệp, Kinh doanh thương mại, ... đang là luật sư uy tín của các Khách hàng cá nhân, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Thông tin liên hệ:

Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội:

Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 07.6668.1111

Email: vicolylaw@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G