Lưu ý pháp lý khi nhận chuyển nhượng doanh nghiệp

Nền kinh tế thị trường ngày nay có tốc độ vận hành ngày càng khắc nghiệt và tàn khốc, nó có thể biến một một ngành một lĩnh vực từ thịnh hành cho tới suy tàn chỉ trong một thời gian ngắn. Chúng ta đang sống trong thời kỳ đại dịch Covid gây thảm họa trên toàn thế giới, nhìn trên phương diện kinh tế thì thảm họa này định hình lại toàn bộ nền kinh tế. Đại dịch Covid ảnh hưởng sâu rộng và thay đổi thói quen của dân số toàn cầu, thay đổi phương thức hoạt động của nền kinh tế quốc gia, nền kinh tế toàn cầu, tác động mạnh từ sản xuất, phân phối cho tới thói quen tiêu dùng.

Trước đây để một ngành nào đó suy thoái thì cần thời gian hàng chục năm chúng ta mới thấy rõ tác động và sự chuyển dịch thay đổi của ngành đó. Ngày nay, thời gian thay đổi chúng ta có thể thấy rõ được tính bằng tháng bằng năm, kéo theo đó là một loạt các doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chuyển đổi hoặc tự bán mình. Ngay trong các ngành đang thịnh hành thì điều này vẫn diễn ra nhưng âm thầm và chiếm tỷ trọng nhỏ so với các ngành chịu tác động.

Đối với các doanh nhân lão làng trong thương trường thì họ hiểu rất rõ giá trị thương hiệu, các giá trị vô hình khác mà các doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm trên thị trường tích lũy được. Bên cạnh đó, để tham gia các gói thầu thì doanh nghiệp cần phải có năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính thì mới qua được vòng loại để tham gia vào đấu thầu. Thì nhận chuyển nhượng lại Doanh nghiệp từ các nhà đầu tư khác để thực hiện các mục đích này là tối ưu nhất nhưng bên cạnh đó thì lợi ích luôn đi kèm với rủi ro.

Vậy khi nhận chuyển nhượng lại Doanh nghiệp từ nhà đầu tư khác chúng ta cần lưu ý những gì về pháp lý để tránh những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc?

Bằng kinh nghiệm của đội ngũ luật sư của chúng tôi trong quá trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chúng tôi xin đưa ra các lưu ý pháp lý như sau:

1. NỢ THUẾ

Trước khi mua lại bất cứ doanh nghiệp nào điều đầu tiên cần phải nghĩ tới đó là kiểm tra tình trạng nợ thuế của Doanh nghiệp. Việc này khá đơn giản, chúng ta có thể lên cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp để kiểm tra các thông tin về nợ thuế, theo đúng lịch hẹn cơ quan thuế sẽ có văn bản trả lời về việc nợ thuế của doanh nghiệp đó.

Bên cạnh đó một loại thuế nữa cũng cần lưu ý, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thì cần kiểm tra thuế bên Hải Quan. Vấn đề này cũng đơn giản không kém, chỉ cần doanh nghiệp làm công văn gửi lên Tổng cục hải quan thì cơ quan đó sẽ có văn bản trả lời về tình trạng nợ thuế Hải Quan là chúng ta có thể nắm được.

Kiểm tra nợ thuế để tránh tình trạng sau khi chúng ta đã sang tên đổi chủ thì mới phát hiện ra một khoản nợ thuế lớn, điều này sẽ rất phiền toái để chủ mới có thể xử lý giải quyết vấn đề. Thay vì vậy, chúng ta kiểm tra trước khi giao dịch thì đó cũng là một biện pháp phòng ngừa rủi ro đơn giản mà hiệu quả.

2. CÔNG NỢ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Bên mua nên yêu cầu bên bán cung cấp toàn bộ công nợ của Công ty đối với các tổ chức cá nhân. Điều này là đương nhiên khi chuyển giao Doanh nghiệp vì nó nằm trong giá trị của Doanh nghiệp và chuyển giao các nghĩa vụ đang thực hiện cho Người mua mới.

Để phòng ngừa rủi ro thì Bên mua cần đưa vào nội dung cam kết đó là Bên mua phải cam kết không giấu diếm bất cứ khoản công nợ nào của Doanh nghiệp. Trong trường hợp Bên mua che giấu thì Bên mua phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và coi đó là điều khoản kích hoạt các điều khoản phạt. Đồng thời hành vi che giấu cũng là điều kiện để bên mua có quyền Hủy Hợp đồng để tránh các vướng mắc pháp lý và đòi lại tiền đã mua.

3. HỢP ĐỒNG ĐANG THỰC HIỆN

Yêu cầu bên bán phải kê khai đầy đủ danh sách khách hàng cũng như các Hợp đồng đang ràng buộc Công ty với các đối tác khác.

Yêu cầu này nhiều người mua lại Doanh nghiệp chỉ quan tâm tới kinh nghiệm, thương hiệu của Doanh nghiệp mà quên mất các Nghĩa vụ của Doanh nghiệp đang bị ràng buộc bởi các Hợp đồng đang thực hiện. Có những Hợp đồng doanh nghiệp đang có nghĩa vụ thực hiện có giá trị rất lớn, thậm chí lớn gấp nhiều lần giá trị chuyển nhượng của Doanh nghiệp. Do đó người mua phải cực kỳ lưu tâm đến nội dung này và đưa ra các quy định ràng buộc trách nhiệm thật rõ ràng trong các trường hợp xảy ra.

Cũng như đối với Công nợ bên mua nên đưa điều kiện và yêu cầu bên bán cam kết kê khai trung thực đầy đủ và đây cũng là điều kiện để kích hoạt các điều khoản phạt cũng như điều khoản hủy bỏ đối với Hợp đồng chuyển nhượng.

4. TÀI SẢN

Tùy vào mục đích mua lại doanh nghiệp của chủ đầu tư và tùy vào quy mô của mỗi doanh nghiệp trong giao dịch mà nhà đầu tư có thể làm kỹ các vấn đề về tài sản hay không. Đối với các doanh nghiệp mà bên mua chỉ cần thương hiệu và doanh nghiệp đã gần tới mức giải thể thì có chủ đầu tư chỉ cần các giấy phép của Công ty mà không cần tài sản. Nhưng đối với các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có nhiều tài sản thì nội dung này lại vô cùng quan trọng.

Bên mua cần yêu cầu bên bán bàn giao đầy đủ các tài sản của Doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, văn phòng tại nhiều nơi thì công việc này càng đòi hỏi sự kỹ càng và cẩn trọng.

Bên cạnh đó Bên mua cũng cần yêu cầu bên Bán cam kết bàn giao đầy đủ và toàn bộ các tài sản của Doanh nghiệp cho bên mua và có bất cứ thiếu sót nào sẽ phải chịu trách nhiệm và bồi thường các thiệt hại tương ứng. Điều này là cực kỳ có lợi trong trường hợp bên bán kê khai thiếu thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải hoàn trả hoặc bồi thường.

5. THƯƠNG HIỆU

Đây thực ra cũng là một tài sản của Doanh nghiệp nhưng chúng tôi tách ra là bởi vì rất ít người để tâm tới thương hiệu của Doanh nghiệp khi nhận chuyển nhượng trong khi đó đôi khi nó có thể là tài sản lớn nhất của Doanh nghiệp chuyển nhượng.

Hiện nay, do có nhiều những vụ việc tranh chấp liên quan tới thương hiệu có giá trị hàng triệu USD nên nhận thức của mọi người đối với thương hiệu đã dần cải thiện và trở về đúng vị trí vốn có của nó.

Đối với thương hiệu yêu cầu Bên bán cung cấp các Giấy tờ đăng ký nhãn hiệu và các giấy tờ khác liên quan tới thương hiệu của Doanh nghiệp.

6. LAO ĐỘNG

Tùy vào từng trường hợp mà bên mua có thể đưa điều khoản liên quan tới người lao động vào trong thỏa thuận chuyển nhượng doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp lớn đang hoạt động ổn định thì nhân sự là một tài sản vô cùng quan trọng và giá trị.

Bên mua có thể đưa vào điều khoản yêu cầu Bên bán không được chiêu dụ nhận sự từ Doanh nghiệp chuyển nhượng sang bất cứ doanh nghiệp nào mà Chủ đầu tư cũ tham gia. Quy định này để tránh các trường hợp Bên bán ra mở doanh nghiệp mới hoặc tham gia vào các doanh nghiệp đối thủ rồi chiêu dụ nhân sự chủ chốt, nhân sự quan trọng sang thì rất khó triển khai các hoạt động bình thường đối với Doanh nghiệp chuyển nhượng.

7. LẬP BIÊN BẢN BÀN GIAO

Ngoài việc hai bên ký về thỏa thuận chuyển nhượng doanh nghiệp và các Hợp đồng chuyển nhượng vốn thì khi hai bên bàn giao các tài liệu, giấy tờ cũng như các tài sản của Doanh nghiệp các bên cần phải có một Biên bản bàn giao đối với tất cả các hạng mục trên.

Biên bản bàn giao khi chuyển nhượng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, nó là văn bản xác nhận bên bán đã thực hiện nghĩa vụ chuyển giao những gì và là căn cứ để bên mua bảo vệ quyền lợi của mình khi bên mua thực hiện nghĩa vụ chuyển giao chưa đủ.

Trong Biên bản bàn giao luôn phải có các điều khoản cam kết của bên chuyển giao về nghĩa vụ chuyển giao thiếu sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm về bất cứ tổn thất nào do trách nhiệm bàn giao thiếu gây ra.

KẾT LUẬN

Khi nhận chuyển nhượng lại Doanh Nghiệp cũ thì nhà đầu tư luôn hướng tới mục đích nào đó để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình mà với doanh nghiệp mới không thể thỏa mãn được. Phía đối tác chỉ bán Doanh nghiệp khi họ không thể tìm ra phương án lợi nhuận từ doanh nghiệp đó và không thể triển khai hoạt động có hiệu quả đối với doanh nghiệp chuyển nhượng.

Chính vì lẽ đó các bên gặp nhau để bên chán bán cho bên cần, song cũng vì lẽ đó bên bán luôn che giấu tối đa có thể những điểm bất lợi của Doanh nghiệp chuyển nhượng. Vì vậy khi nhận chuyển nhượng doanh nghiệp các chủ đầu tư cần đặc biệt lưu ý các vấn đề pháp lý đối với Doanh nghiệp đó, đồng thời yêu cầu bên chuyển nhượng có các cam kết thật cụ thể để tránh những rủi ro pháp lý sau này.

Đối với mỗi giao dịch chuyển nhượng kiểu này luôn tiềm ẩn rủi ro vì vậy để yên tâm trong việc mua bán Doanh nghiệp các chủ đầu tư nên tham khảo ý kiến của Luật sư chuyên ngành.

Hãy liên hệ ngay với Luật sư của chúng tôi khi gặp các vấn đề pháp lý liên quan.

=>> Thông tin trên được cung cấp bởi Luật Sư LẠI VĂN DOÃN, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn doanh nghiệp, Dân sự, Luật sư bào chữa và là Luật sư uy tín và tin cậy của các Doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH VICOLY HÀ NỘI

Hotline 24/7: 07.6668.1111

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G