Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương đã có yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar, cafe, tiệm cắt tóc, spa,… để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ trên gặp nhiều khó khăn và phải lựa chọn phương án tạm ngừng kinh doanh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến thủ tục và thơi hạn tạm ngừng kinh doanh để giúp quý khách hàng nắm bắt được quy định của pháp luật liên quan vấn đề này.

1. Thế nào là tạm ngừng kinh doanh

Khác với giải thể doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, sau khi hết khoảng thời gian đó, doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động bình thường.

2. Các trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định tại Điều 206, Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tiến hành thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh đối với các trường hợp sau:

► Doanh nghiệp có nhu cầu tạm ngừng kinh doanh: Là trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, làm ăn thua lỗ cần tạm ngừng kinh doanh để xây dựng lại kế hoạch kinh doanh, sắp xếp lại nhân sự

► Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp:

  • Doanh nghiệp không có đủ điều khi kinh doanh ngành, nghề có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật;​​​
  • Theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thời điểm nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.

4. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Trước khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở, hồ sơ bao gồm:

- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

• Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh theo mẫu Phụ lục II-19 (Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

• Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty về việc tạm ngừng kinh doanh.

- Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, công ty cổ phần:

• Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh theo mẫu Phụ lục II-19 (Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

• Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần.

5. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP: “doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.”

Như vậy, doanh nghiệp được tạm dừng kinh doanh nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ được tạm ngừng trong thời hạn 01 năm.

Trên đây là bài viết tư vấn về thủ tục tạm ngừng kinh doanh của Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội. Nếu quý khách có bất kỳ câu hỏi nào liên quan, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng và hiệu quả nhất:

Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội:

Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 07.6668.1111

Email: vicolylaw@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G