Nên đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu thì phù hợp??

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần – theo quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Có thể thấy rằng, pháp luật doanh nghiệp không quy định bắt buộc mức vốn điều lệ tối thiểu trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có yêu cầu về vốn pháp định. Vốn pháp định được hiểu là điều kiện vốn ban đầu tối thiểu mà từng ngành nghề yêu cầu bắt buộc phải có khi thành lập doanh nghiệp.

Ví dụ: Vốn pháp định của ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ là 1.000.000 USD; ngành nghề kinh doanh bán hàng đa cấp là 10 tỷ; kinh doanh dịch vụ lữ hành tối thiểu từ 100.000.000 đồng trở lên tùy từng đối tượng…

Pháp luật cũng không có quy định về mức vốn điều lệ tối đa, tức là không hạn chế việc bỏ bao nhiêu tiền góp vốn vào làm ăn kinh doanh.

Vậy nên tuỳ vào doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh gì thì các bạn có toàn quyền quyết định mức vốn góp vào doanh nghiệp để phục vụ mục đích kinh doanh của công ty và đảm bảo việc hoạt động kinh doanh hiệu quả. Tức là bạn bỏ bao nhiêu tiền góp vốn vào cũng được.

Tuy nhiên không vì thế mà công ty lựa chọn mức vốn điều lệ quá thấp hoặc quá cao, vì các lí do sau đây:

⇒ Thứ nhất, nếu vốn điều lệ quá thấp thì không thể hiện được tiềm năng tài chính hay quy mô công ty. Điều đó có thể dẫn đến sự e ngại, thiếu tin tưởng của khách hàng cũng như đối tác về năng lực của công ty.

⇒ Thứ hai, nếu công ty để vốn điều lệ thấp cũng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục ngân hàng cho vay vốn. Dù là vay tín chấp hay thế chấp không một ngân hàng nào dám đảm bảo các khoản vay vượt ngoài vốn điều lệ của họ.

⇒ Thứ ba, nếu để mức vốn điều lệ quá thấp trong khi chi phí cần cho hoạt động của công ty cao thì công ty không đủ vốn để hoạt động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và dự định kinh doanh của công ty.

Ngược lại, nếu để vốn điều lệ quá cao thì sẽ liên quan tới số thuế môn bài mà doanh nghiệp phải đóng, trách nhiệm vật chất mà chủ doanh nghiệp, các thành viên trong công ty phải chịu cũng tỷ lệ thuận so với vốn điều lệ của Công ty.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì Chủ sở hữu, thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Vì vậy, khi đăng ký vốn điều lệ, bạn cần cân nhắc đến các yếu tố như khả năng tài chính, ý tưởng và quy mô kinh doanh, định hướng phát triển…để quyết định mức vốn điều lệ cho phù hợp.

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi, nếu quý khách có bất kỳ câu hỏi nào liên quan, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội

Địa chỉ: Số 17/10 ngõ 121, phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Hotline: 07.6668.1111

Email: vicolylaw@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G