Hủy bỏ hợp đồng và hậu quả pháp lý

Hủy bỏ hợp đồng là việc một chủ thể trong hợp đồng đơn phương hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng đã giao kết do lỗi của bên còn lại hoặc rơi vào các trường hợp quy định trong Hợp đồng một bên có quyền hủy bỏ đối với hợp đồng đã ký kết.

Trong thực tế nước ta khi tiến hành đàm phán xây dựng hợp đồng thì các chủ thể hiếm khi nghĩ tới các tình huống kích hoạt điều khoản hủy bỏ hợp đồng để bảo vệ chính mình nhưng đây là là một nội dung vô cùng quan trọng đối với bất cứ hợp đồng nào.

Quyền hủy bỏ hợp đồng cũng giống như việc chúng ta có một cánh thoát hiểm để có thể thoát ra ngoài trong trường hợp nguy cấp. Thì đối với hợp đồng đó chính là quyền thoát khỏi sự ràng buộc đối với các quy định trong hợp đồng khi đối tác của chúng ta có lỗi, vi phạm hợp đồng một cách nghiêm trọng hoặc khi hoàn cảnh thay đổi hoặc một trường hợp nào đó mà chúng ta thấy nếu xảy ra thì chúng ta không thể hoặc không nên tiếp tục thực hiện hợp đồng đã giao kết.

Tuy rằng chúng ta không nên đưa vào quá nhiều tình huống để trao quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng cho chúng ta vì điều này có thể phản tác dụng đó là gây ra tâm lý lo ngại cho đối tác. Nhưng chúng ta nên lựa chọn một vài trường hợp do lỗi của đối tác, hoàn cảnh thay đổi hoặc lý do gì đó dẫn tới mục đích của Hợp đồng không đạt được thì chính các điều này sẽ kích hoạt điều khoản cho phép chúng ta đơn phương hủy bỏ hợp đồng.

Như vậy, quy định của Bộ luật dân sự 2015 cho phép những trường hợp nào thì chủ thể trong hợp đồng có quyền hủy bỏ hợp đồng. Điều 423 đưa ra các trường hợp như sau:

“1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

c) Trường hợp khác do luật quy định.

2. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

3. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”

Điều 423 Bộ luật dân sự 2015 đưa ra các trường hợp rất mở và không giới hạn các trường hợp miễn là các bên quy định trong hợp đồng sự kiện nào là điều kiện kích hoạt điều khoản hủy bỏ hợp đồng thì sẽ được pháp luật thừa nhận. Tức là dành hoàn toàn sự chủ động cho các chủ thể trong hợp đồng thỏa thuận về điều khoản hủy bỏ này, điều này cũng rất phù hợp với quy định của pháp luật đó là mục đích của Hợp đồng là để đem lại lợi ích cho các bên và do các bên tự ràng buộc với nhau để đạt được mục đích nào đó.

Với quy định Điểm b Khoản 1 trong điều trên quy định “Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng” thì tốt nhất các bên hãy quy định vi phạm tới mức nào thì bên còn lại được hủy bỏ hợp đồng mà không nên trông chờ vào quy định này. Để kích hoạt điều khoản này để làm điều kiện hủy bỏ hợp đồng trên thực tế là rất khó khăn, thuyết phục được Tòa án chấp nhận mà không có ranh giới cụ thể là tương đối mơ hồ và điều này có thể bị Tòa án từ chối. Vậy nên hãy đưa ra mức định lượng, chỉ rõ hành vi cụ thể làm sự kiện kích hoạt điều khoản hủy bỏ hợp đồng trong hợp đồng để bảo vệ các quyền lợi của mình một cách chủ động.

Bộ luật dân sự 2015 dành ra ba điều khoản để quy định về ba trường hợp cụ thể là: “Điều 424. Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ; Điều 425. Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện; Điều 426. Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng”. Các nhà làm luật lựa chọn ra ba trường hợp phổ biến mà khi xảy ra các sự kiện đó sẽ kích hoạt điều khoản đơn phương hủy bỏ hợp đồng cho chủ thể tham gia. Song như chúng tôi đã phân tích, chúng ta không nên bị động trông chờ các điều khoản này được kích hoạt bởi lẽ rất dễ bị Tòa án từ chối với lý do chưa đủ mức độ để áp dụng do không có định lượng nào để khẳng định. Theo chúng tôi kể cả các hợp đồng quý khách hàng thấy rằng các trường hợp trong tương lai có thể xảy ra các sự kiện như trong ba điều khoản trên thì tốt hơn hết chúng ta nên đưa luôn các điều khoản này vào Hợp đồng và đưa luôn ra mức định lượng, điểm mặt chỉ tên các hành vi, sự kiện cụ thể kích hoạt điều khoản hủy bỏ hợp đồng để bảo vệ lợi ích của mình một cách chủ động nhất.

Chúng tôi xin đưa ra một vài ví dụ đưa ra các sự kiện để hủy bỏ hợp đồng như sạu:

Ví dụ 1: Trong hợp đồng mua bán hàng hóa hóa trong tương lai, các bên đưa điều khoản quy định tại thời điểm bàn giao giá cả hàng hóa lên quá 10% so với giá thỏa thuận thì hai bên thỏa thuận lại về giá hoặc bên bán có quyền hủy bỏ hợp đồng.

Ví dụ 2: Hai bên ký Hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất và thỏa thuận tới thời điểm nào đó mà bên mua không thanh toán đầy đủ toàn bộ số tiền xxx thì Bên bán có quyền hủy bỏ hợp đồng.

HẬU QUẢ PHÁP LÝ KHI HỦY BỎ HỢP ĐỒNG

Để biết tại sao điều khoản Hủy bỏ hợp đồng như một cánh cửa thoát hiểm cho các bên tham gia khi mục đích hợp đồng không đạt được do một số yếu tố chủ quan cũng như khách quan thì chúng ta cần phải hiểu hậu quả pháp lý khi hủy bỏ hợp đồng là gì và tại sao nó bảo vệ được quyền lợi của chủ thể tham gia.

Điều 427 Bộ luật dân sự 2015 đưa ra các cách giải quyết hậu quả khi hợp động bị hủy bỏ đó là:

“Điều 427. Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng

1. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.

2. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.

Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả.

Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.

4. Việc giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này và luật khác có liên quan quy định.

5. Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ quy định tại các điều 423, 424, 425 và 426 của Bộ luật này thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”

Hiểu theo cách giản lược quy định của Điều 427 trên thì khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng sẽ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết tức là các bên sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường. Có quyền đòi lại phần lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ theo hợp đồng.

Như vậy việc hủy bỏ hợp đồng sẽ giúp cho các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, điều này là cực kỳ quan trọng trong trường hợp nếu việc thực hiện hợp đồng sẽ làm cho chủ thể tham gia thiệt hại rất lớn. Tức là nó bảo vệ quyền lợi của bên tham gia trong hợp đồng khi sự kiện kích hoạt điều khoản hủy bỏ hợp đồng xảy ra. Đồng thời nếu có lỗi của bên kia thì vẫn có quyền bồi thường thiệt hại, bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền lợi của mình trong các trường hợp này.

Vì lẽ đó, khi xây dựng hợp đồng hãy liên hệ ngay với luật sư để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời bảo vệ các quyền và lợi ích của mình.

=> Thông tin trên được cung cấp bởi Luật sư LẠI VĂN DOÃN, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn soạn thảo hợp đồng, Tư vấn luật Doanh nghiệp, Kinh doanh thương mại, ... đang là luật sư uy tín của các Khách hàng cá nhân, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Thông tin liên hệ:

Công ty Luật TNHH Vicoly Hà Nội:

Địa chỉ: Số 17/10 Ngõ 121, phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline 24/7: 07.6668.1111

Email: vicolylaw@gmail.com

    Chia sẻ:

Để lại thông tin tư vấn

G